Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường tiền tệ sau báo cáo lạm phát của Mỹ
Thị trường tiền tệ khởi động tuần giao dịch đầu tiên của tháng Sáu trong tâm lý thận trọng. Đồng USD giảm nhẹ phiên 3/6 sau khi dữ liệu của tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ đã ổn định trong tháng 4/2024, mở ra cánh cửa cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Đồng USD đã ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm nay vào tháng 5/2024, do ảnh hưởng của của những đồn đoán về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed.
Thị trường đang dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 37 điểm cơ bản trong năm nay sau khi số liệu ngày 31/5 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,3% trong tháng Tư, phù hợp với mức tăng chưa điều chỉnh trong tháng 3/2024.
Các nhà giao dịch hiện đang dự báo khoảng 53% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, cao hơn so với mức dự đoán 49% trước số liệu trên.
Số liệu lạm phát vẫn cho thấy áp lực giá vẫn ở trên mục tiêu 2% của Fed, với mức tăng tính theo năm của chỉ số PCE là 2,7% trong tháng 4/2024, cùng mức với tháng Ba, khiến thị trường không chắc chắn về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn một lần trong năm 2024.
Nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen tại Annex Wealth Management, cho biết thị trường sẽ trở nên mất kiên nhẫn với sự chần chừ của Fed vì số liệu tăng trưởng cho thấy Fed đang chờ đợi quá lâu để điều chỉnh lại lãi suất.
Chỉ số đồng USD, thước đo đồng bạc xanh với rổ tiền tệ chính, đã giảm 0,067% xuống 104,51 trong phiên 3/6. Chỉ số này đã giảm 1,56% trong tháng 5/2024.
Đồng bảng Anh tăng 0,04% lên 1,27475 USD/bảng, trong khi đồng euro được giao dịch ở mức 1,085325 USD/euro trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm 6/6, thời điểm ngân hàng trung ương này gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý đến bình luận từ các quan chức ECB, cùng với các dự báo kinh tế để đánh giá liệu ngân hàng trung ương có thực hiện thêm các lần cắt giảm lãi suất sau ngày 6/6 hay không, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trong tháng 5/2024.
Thị trường đang dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất 57 điểm cơ bản trong năm nay.
Trong khi đó, dữ liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 31/5 xác nhận rằng chính phủ đã chi 9.790 tỷ yen (62,23 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm hỗ trợ đồng yen trong tháng qua.
Dữ liệu này đã xác nhận những nghi ngờ của các nhà giao dịch và nhà phân tích rằng Tokyo đã tham gia thị trường trong hai đợt can thiệp bán USD quy mô lớn ngay sau khi đồng yen chạm mức thấp nhất 34 năm là 160,245 yen/USD vào ngày 29/4 và một lần nữa vào rạng sáng ngày 2/5 tại Tokyo.
Đồng yen được giao dịch ở mức 157,15 yen/USD vào đầu phiên 3/6.
Nhà phân tích Tony Sycamore thị trường tại IG cho biết các quan chức tiền tệ Nhật Bản sẽ không bỏ qua việc đồng yen là đồng tiền duy nhất trong số 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất (Nhóm G10) yếu hơn so với đồng USD.
Ông Sycamore cho biết các quan chức sẽ tìm kiếm câu trả lời mới để cứu đồng yen do lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng vọt và việc can thiệp ngoại hối cho đến nay đều không thành công.