Tâm điểm vĩ mô tháng 2: Ba chỉ số quan trọng đều giảm, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Hai tháng đầu năm 2023 đã qua đi với bức tranh kinh tế có những điểm sáng và cả những điểm còn hạn chế.
Nhận định về các số liệu vĩ mô, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho hay năm nay là năm Tết đến sớm so với các năm trước nên để có cái nhìn chuẩn xác về số liệu vĩ mô, cần nhìn đầy đủ cả hai tháng đầu năm.
Ba chỉ số quan trọng đều giảm
Theo ông, nếu tính chung cả hai tháng qua, dễ dàng nhận thấy khu vực sản xuất yếu đi rất rõ khi chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm suy giảm 6,3% so với cùng kỳ 2022 trong khi các năm thường ghi nhận tăng trưởng bình quân 6-8%. Điểu này được Tổng cục Thống kê lý giải do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Khu vực tiêu dùng cũng thể hiện con số không mấy tích cực khi tổng mức bán lẻ suy giảm mạnh liên tiếp hai tháng qua. Xuất khẩu cũng chịu chung số phận khi tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu hai tháng đầu năm giảm 10,4% so với cùng kỳ.
"Như vậy chỉ với ba số liệu vĩ mô phổ biến nhất đã thể hiện sức khoẻ nền kinh tế của chúng ta đang gặp thách thức rất lớn", CEO WiGroup nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có thể nhìn rõ FDI đang có xu hướng giảm. Theo ông, dư địa FDI đăng ký mới không còn nhiều bởi tình hình thế giới vẫn biến động, kinh tế nhiều nước vẫn đang đi xuống, hơn nữa các tập đoàn lớn cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, nút thắt về hạ tầng cũng là vấn đề cản trở FDI tăng mạnh. Vì thế ông cho rằng không có nhiều động lực để thúc đẩy FDI đăng ký mới tiếp tục tăng, mà chỉ kỳ vọng vào FDI giải ngân, các doanh nghiệp FDI tăng quy mô đầu tư vào Việt Nam.
Về FDI giải ngân, số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy giải ngân FDI trong hai tháng đầu năm đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Sau giai đoạn cao điểm về dòng tiền kiều hối, chuyên gia nhận định nguồn cung ngoại tệ sẽ không còn quá dồi dào (từ cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp) và phần nào tạo áp lực lên tỷ giá, trong bối cảnh xu hướng USD thế giới tăng dần theo kỳ vọng tăng lãi suất của Fed.
Áp lực lên thị trường tài chính từ yếu tố chính sách điều hành tiền tệ là rất thấp
Về tỷ giá, theo ông Trần Ngọc Báu, nhiều khả năng tỷ giá sẽ không quá căng thẳng. "Sức khoẻ nền kinh tế thì đang yếu đi rất nhanh sẽ là động lực để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đi theo định hướng nới lỏng hoặc ít nhất là không quay trở lại với chính sách thắt chặt", ông nhận định. Tuy nhiên, ông Báu nhắc lại vẫn còn một biến số nữa sẽ tác động tới hành động của NHNN trong tương lai gần đó chính là lạm phát trong nước.
"Số liệu lạm phát bình quân của Việt Nam công bố trong hai tháng đầu năm khá cao ở mức 4,6%, bình quân cả năm 2022 con số này ở mức 3,15%. Điều này đã dấy lên rất nhiều lo ngại về áp lực lạm phát trong năm 2023.
Tuy nhiên với tính toán của mình, tôi cho mặc dù năm 2023 sẽ có áp lực rất lớn từ tăng giá vật liệu xây dựng, giá điện và đầu tư công nhưng lạm phát sẽ nằm dưới rất nhiều so với mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đặt ra cho cả năm 2023. Áp lực lạm phát đầu năm sẽ cao và dịu bớt lại vào cuối năm khi tổng cầu trong nước yếu đi và nền chỉ số tiêu dùng nửa đầu năm 2022 thấp hơn nhiều so với nửa cuối năm", ông phân tích.
Xét một cách tổng thể về sức khoẻ nền kinh tế, tỷ giá và lạm phát, CEO WiGroup cho rằng không có nhiều cơ sở để NHNN quay trở lại với chính sách thắt chặt, thay vào đó sẽ là chính sách có phần nới lỏng hoặc ít nhất là trung hoà. Nói cách khác áp lực lên thị trường tài chính từ yếu tố chính sách điều hành tiền tệ năm 2023 là rất thấp thậm chí có phần hỗ trợ, nhưng sự suy giảm tăng trưởng lợi nhuận toàn nền kinh tế là điều cần quan tâm bởi nó sẽ tác động đến định giá chung của toàn thị trường.
Trong khi đó, theo quan điểm của PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, có thể nhìn vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và xu hướng lạm phát để biết được lãi suất có giảm hay không.
"Nếu lạm phát tháng 2 và tháng 3 giảm rõ rệt thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng lãi suất có xu hướng giảm. Nếu lạm phát không hạ xuống, lãi suất sẽ giữ ở mức cao. Đây là rủi ro lớn nhất trong năm 2023", ông nói.