|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Lê Duy Bình: 'Hàng triệu tỷ đồng được bơm ra trong năm nay, thanh khoản không hề thiếu'

17:00 | 02/03/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, việc phối hợp giữa tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công sẽ đẩy cung tiền lên khá cao. Với bối cảnh đó, nền kinh tế sẽ được bơm một khoản tiền tương đối đáng kể trong năm nay, thanh khoản sẽ dồi dào chứ không cạn kiệt.

Vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản cạn kiệt, bước sang đầu năm 2023, thanh khoản của nền kinh tế đã dồi dào hơn.

Trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp phát hành lượng lớn tín phiếu trước thực trạng thanh khoản khá dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời liên tục giảm lãi suất phát hành tín phiếu, từ mức 6%/năm về mức thấp nhất 3,79%/năm vào ngày 14/2 cho kỳ hạn bảy ngày.

NHNN giảm lãi suất tín phiếu phát đi thông điệp cho thị trường về việc thanh khoản đang dồi dào, lãi suất cần phải giảm ở mức thấp hơn. Mới đây, NHNN cũng đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2023 cho các tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia đánh giá, NHNN đang sử dụng một chính sách tiền tệ thận trọng chứ không hẳn là thắt chặt. Theo Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam,NHNN hiện vẫn đang nỗ lực giảm lãi suất và mở cung tiền cho các doanh nghiệp cho sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu mà NHNN đưa ra là hài hoà giữa lạm phát và tăng trưởng nên lãi suất vẫn phải làm sao đủ mở rộng để hỗ trợ cho tăng trưởng. Chính sách tiền tệ của NHNN theo hướng thận trọng hơn là hoàn toàn thắt chặt, ông Bình đánh giá.

Ba nguyên nhân cho thấy thanh khoản sẽ dồi dào

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam. (Ảnh: Hạ An).

Chuyên gia Lê Duy Bình cho biết, năm 2023 thanh khoản hệ thống sẽ dồi dào hơn hẳn năm ngoái. Điều này thể hiện ở ba nguyên nhân.

Thứ nhất, năm ngoái cung tiền của Việt Nam khá là chậm nhưng không có nghĩa là năm nay cũng tăng chậm như thế. Các dấu hiệu trên thị trường cũng chưa khẳng định NHNN sẽ có một chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm nay. Chỉ có một thông điệp rõ nhất thể hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, năm nay NHNN vẫn dự báo tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo 14-15%, tương đương có thêm 1,6-1,8 triệu tỷ đồng cung ứng vào nền kinh tế, một con số tương đối lớn.

Thứ ba là nguồn vốn đầu tư công, mặc dù năm ngoái tốc độ giải ngân thời gian đầu khá chậm, nhưng cuối cùng vẫn đạt tỷ lệ giải ngân đạt 85-87%. Năm nay, với quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ cao hơn năm ngoái. Thủ tướng cũng đã đặt mục tiêu năm nay giải ngân vốn đầu tư công phải đạt trên 95%.

"Nguồn vốn giải ngân đầu tư công năm 2023 ở khoảng 700.000 tỷ đồng phân bổ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, thêm vào đó là 100.000 tỷ đồng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển. Như vậy, nếu giải ngân được 90% đã là khoảng 700.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn", chuyên gia Lê Duy Bình đánh giá. 

Mặt khác, việc phối hợp giữa tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công sẽ đẩy cung tiền lên khá cao. Với bối cảnh đó, nền kinh tế sẽ được bơm một khoản tiền tương đối đáng kể trong năm nay.

Giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng thấp vào đầu năm và tăng dần đến cuối năm. (Nguồn: TCTK).

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, trong những tháng đầu sẽ chưa thể thấy rõ xu hướng này, đặc biệt là tháng 1 là tháng Tết.Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Phải quan sát con số của tháng 2 và tháng 3 để xem là khả năng cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế có cải thiện hơn so với trước hay không. Nhưng khả năng cao là thanh khoản sẽ dồi dào hơn hẳn năm ngoái", chuyên gia nói.

Tuy nhiên, một yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế là việc thiếu vắng các chính sách tài khoá tương tự năm 2022. Năm nay không có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Chính sách giãn, hoãn thuế, giảm VAT, giảm tiền thuê đất, phí,… với khoản tiền rất lớn và trực tiếp đi vào nền kinh tế. Vì không có những khoản này thì áp lực sẽ dồn sang khu vực đầu tư công, chuyên gia cho biết.

Một số yếu tố khác cần tính đến là khả năng tăng một số phí, lệ phí sẽ tác động vào các mặt hàng cơ bản, tăng lương, tăng giá điện.

"Các chính sách tài khoá này tuy nhỏ lẻ nhưng cũng cần được tính toán thời điểm để phối hợp với việc giải ngân vốn đầu tư công, tăng dư nợ cho nền kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thông qua thị trường mở cũng cần thực hiện một cách nhuần nhuyễn hơn đặc biệt là trong bối cảnh năm nay có nhiều yếu tố từ phía tài khoá,…", chuyên gia lưu ý.

Vấn đề về TPDN mới chỉ tạm lắng

Lo ngại về vấn đề thanh khoản có thể chỉ tạm lắng chứ chưa thực sự ổn định, bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, trong hệ thống tài chính là hiện thanh khoản khá dồi dào, số Ngân hàng Thương mại (NHTM) có thanh khoản dồi dào nhiều hơn so với số NHTM gặp khó khăn.

NHNN vừa rồi đã phải hút bớt tiền về sau khi bơm tín dụng vào đầu năm 2023. NHNN đang rút ròng khá lớn qua kênh tín phiếu trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo bà My thanh khoản của thị trường chỉ tạm ổn chứ chưa thực sự ổn. Thanh khoản tạm lắng là do từ đầu năm đến giờ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất yếu, lãi suất cũng cao làm giảm nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và tiêu dùng. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ là ngắn hạn, bà My chỉ ra.

Bà My cho hay, những biện pháp tích cực của Chính phủ đang giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản, song vấn đề chỉ được tạm lắng chứ chưa thực sự được giải quyết.

Tuần trước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về TPDN, trong đó có các biện pháp về giãn nợ trái phiếu, lùi thời gian áp dụng một số quy định chặt chẽ hơn. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý để các nhà đầu tư giải quyết vấn đề với các trái chủ.

Tuy nhiên, các khó khăn của thị trường trái phiếu vẫn hiện hữu, khó khăn chung về dòng tiền và thanh khoản.

 Áp lực TPDN đáo hạn năm 2023 - 2024 là rất lớn. (Nguồn: FiinRatings).

Theo bà My, rủi ro về áp lực trái phiếu đáo hạn năm 2023 -2024 vẫn còn rất lớn, vấn đề về TPDN chỉ tạm lắng xuống chứ chưa thực sự được giải quyết triệt để, các trái chủ và doanh nghiệp phát hành phải ngồi lại đàm phán với nhau để giải quyết vấn đề. 

Theo báo cáo từ FiinRatings, áp lực thanh khoản của doanh nghiệp càng hiện rõ về giai đoạn cuối 2022 khi thị trường đã chứng kiến 12 doanh nghiệp phát hành ngành bất động sản và năng lượng đã chính thức được công bố là vi phạm nghĩa vụ nợ.

Đây là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tương đối cao, có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, gặp áp lực tất toán trước hạn cao và đã thực hiện mua lại TPDN trong thời gian vừa qua và mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn mặc dù lợi nhuận vẫn tốt.

Còn theo chuyên gia Lê Duy Bình, bản thân các doanh nghiệp này đã được tiếp cận nguồn vốn khổng lồ từ tín dụng, TPDN trong thời gian trước nhưng do những vấn đề của chính lĩnh vực này khiến họ bị hạn chế về thanh khoản ở thời điểm hiện tại.

Những vấn đề của thị trường trái phiếu cũng kéo theo hệ luỵ toàn bộ nền kinh tế bị căng thẳng thanh khoản tạm thời. Nguồn vốn bị hút vào ngành bất động sảnkhiến cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh trong 20 ngành nghề còn lại của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Ngân hàng cũng thận trọng hơn trong quá trình cho vay khiến cho thanh khoản của thị trường dường như căng thẳng hơn thực tế.

Rõ ràng, thanh khoản kém đi do cung tiền giảm song cũng bị “phóng đại” hơn do những vấn đề của thị trường bất động sản và TPDN. Do đó, giải pháp không phải là bơm tiền ra vô điều kiện để đáp ứng cho toàn bộ thị trường mà khi nguồn lực về vốn khan hiếm hơn thì cần phân bổ cho hợp lý, chuyên gia Lê Duy Bình nhìn nhận.

Hạ An