Tài xế công nghệ làm sao để 'sống sót' qua mùa ế?
Theo các tài xế tại một diễn đàn xe công nghệ, mùa dịch Covid-19, sinh viên học sinh đều được nghỉ học. Thời gian nghỉ học tránh dịch kéo dài, kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2 tuần, đồng nghĩa suốt một tháng qua, lượng khách hàng đông nhất của cánh tài xế bị mất.
Bên cạnh đó, giới văn phòng, công chức thường ngại ra đường lúc này khi không thật cần thiết. Đặc biệt, nhu cầu ra ngoài buổi tối đến các địa điểm vui chơi, ăn uống cũng giảm hẳn.
“Mùa ế”
Một tài xế xe máy của ứng dụng gọi xe Be cho biết, bình thường mỗi ngày chạy được 20-25 chuyến, có thêm tích điểm thưởng, thu nhập đạt khoảng 300.000-400.000 đồng. Nhưng kể từ sau Tết đến nay, mỗi ngày chỉ chạy được 4-5 chuyến, thu nhập giảm một nửa, sau khi trừ chiết khấu, xăng xe, hao mòn, lãi được 30.000-50.000 đồng.
Cũng theo một tài xế của hãng Grab, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, cứ mở ứng dụng ra là hầu như lúc nào cũng có khách, nhưng hiện tại, đợi mòn mỏi có khi cả ngày được 2, 3 lượt khách.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các tài xế ô tô công nghệ. Anh Lê Văn Hùng – một tài xế của Be cho biết, lượng khách giảm tới 30%, thu nhập ngày thường trước đây được khoảng 2 triệu đồng thì đến nay nhiều nhất được hơn 1 triệu đồng.
Hiện tại chỉ có khu vực sân bay là có lượng khách đều nhất nhưng lượng tài xế ở đây lại quá đông khiến thời gian chờ có cuốc kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. “Nếu dịch kéo dài thêm, chắc tôi phải kiếm công việc thời vụ khác, chứ tình trạng như hiện nay không đủ sống”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Tình trạng “ế ẩm” xảy ra trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất tích cực triển khai các biện pháp nhằm phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Điển hình như Be không chỉ khuyến khích các tài xế và khách hàng luôn sử dụng khẩu trang y tế khi lưu thông, rửa tay diệt khuẩn thường xuyên, mà còn yêu cầu việc đeo khẩu trang là bắt buộc đối với các tài xế.
Nếu các tài xế không tuân thủ, hãng sẽ áp dụng các mức chế tài phù hợp, cao nhất là khóa tài khoản hoạt động. Tương tự, Công ty TNHH Grab Việt Nam cũng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp như: khuyến cáo đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn giữ vệ sinh, khử trùng phương tiện; rửa tay thường xuyên; liên hệ ngay đến cơ quan y tế và tổng đài Grab khi cảm thấy không khỏe, hoặc có dấu hiệu sốt, ho, khó thở...
Chia sẻ với báo chí, đại diện dịch vụ gọi xe Be cho biết, sau Tết Nguyên đán, hoạt động của hãng cũng bị ảnh hưởng như tất cả các doanh nghiệp khác trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực do dịch bệnh.
Chuyển hướng dịch vụ
Dù ghi nhận khó khăn nhưng Be cũng cho biết đã có kế hoạch chu đáo để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng chỉ tiêu đã đề ra. Về phía Grab, tình hình kinh doanh của hãng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định kể từ sau khi Chính phủ công bố dịch (ngày 1/2).
Thực tế cho thấy, dù nhu cầu đi lại giảm mạnh nhưng dịch vụ giao nhận thức ăn lại tăng nhẹ. “Mọi người ngại ra đường nên đặt đồ ăn tại nhà, nếu tài xế chạy kết hợp cả giao thức ăn và chở khách có thể cải thiện được thu nhập”, một tài xế chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều nhân viên văn phòng cho biết họ sẵn sàng chi ra một khoản chi phí cao hơn đi ăn ở ngoài để gọi giao hàng tại chỗ. Theo chị Thu Linh (nhân viên văn phòng), chị cùng 3 người nữa cùng công ty thường gọi cơm hộp để ăn, mỗi suất ăn cho một người có giá trong khoảng 40.000 đồng kèm theo đó là 20.000 đồng tiền ship.
“Tuy có hơi đắt nhưng để tiết kiệm thời gian, cũng như phòng tránh dịch bệnh, tôi và đồng nghiệp sẽ chọn đồ ăn rồi đăng ký giao hàng luôn”, chị Linh chia sẻ.
Theo tài xế Nguyễn Quang Trọng, lượng đặt cơm trưa online nhiều, cửa hàng có 2 người giao hàng mà làm không xuể. Tính trung bình mỗi người giao từ 60-80 suất, công việc nhiều nên cuối ngày được chủ thưởng thêm, thu nhập được hơn 600.000 đồng/ngày.
Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng cho biết, dù doanh thu giảm chỉ còn 60-70% nhưng lượng đơn đặt hàng online tăng, tuy nhiên khó tìm người giao hàng, phí ship cao nên phải chấp nhận từ chối nhiều đơn. Đây hoàn toàn có thể trở thành cơ hội của các tài xế công nghệ trong mùa ế khách.
Ngoài giao đồ ăn, nhiều khách còn thuê tài xế xe ôm công nghệ đến bệnh viện, nhà thuốc để xếp hàng mua khẩu trang, nước khử trùng. Có mặt tại cửa hàng thuốc tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) từ 5h sáng, anh Nguyễn Đăng Tuấn, 29 tuổi, chạy xe ôm công nghệ cho biết, được một khách hàng quen thuê với giá 200.000 đồng để mua 2 hộp khẩu trang.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển, tiếp xúc với nhiều người, các tài xế cần chủ động chuẩn bị nước rửa tay khô, khẩu trang để bảo vệ bản thân.