Tại sao Samsung, Apple đổ về Việt Nam để sản xuất điện thoại?
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc có các nhà máy lớn tại Trung Quốc và Việt Nam, sản xuất hàng triệu smartphone phục vụ thị trường toàn cầu.
Trả lời South China Morning Post, ông Lam Nguyen, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, chất lượng của điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc không có sự khác biệt. “Điện thoại Samsung sản xuất ở Việt Nam có chất lượng tương đương với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc”, ông khẳng định.
Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 23 tỷ USD. 9 tháng đầu năm, 4 nhà máy tại Việt Nam của Samsung đóng góp khoảng 28% tổng doanh thu toàn cầu và gần 16% lợi nhuận tập đoàn.
Không chỉ riêng Samsung, tháng 4 năm nay, CEO Apple - Tim Cook, đã có chuyến công tác tới Việt Nam và hãng cho biết có thể sẽ tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp ở Việt Nam.
Kể từ năm 2019, Apple đã đầu tư gần 16 tỷ USD (tương đương 400.000 tỷ đồng) vào Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng trong nước và tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm tại Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba tại Việt Nam, với hơn 70 nhà máy và 250.000 nhân công trong chuỗi cung ứng. Tính đến năm ngoái, số lượng nhà cung cấp tại Việt Nam đã tăng từ 21 lên 25. Foxconn, nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn của Apple, đã đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất.
Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% iPad, 5% MacBook, và 65% AirPods của Apple.
Tháng 8 năm ngoái, dịch vụ Apple Pay đã ra mắt tại Việt Nam, cho phép người dùng thanh toán trực tiếp qua thiết bị mà không cần tiền mặt. Đồng thời, vào tháng 5/2023, cửa hàng trực tuyến Apple Store chính thức khai trương tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ sản phẩm và hỗ trợ tiếng Việt cho khách hàng.
Lý giải động thái các hãng công nghệ lớn dồn dập tiến vào Việt Nam thiết lập chuỗi sản xuất, các chuyên gia cho rằng hệ thống nhà máy tại Việt Nam đã tiến bộ nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện nay, các nhà máy này đã sánh ngang với Trung Quốc về cả chất lượng và giá thành trong nhiều ngành công nghiệp - South China Morning Post, trích lời.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” với ngành sản xuất khổng lồ, nổi bật về hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành đối thủ đáng gờm trong 15 năm qua.
Khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm 2018, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Hiện nay, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, điều này có thể khiến nhiều công ty chuyển nhà máy sang Đông Nam Á.
Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn để tận dụng cơ hội này. Các nhà máy tại đây đã nâng cao chất lượng và tham gia vào những công đoạn giá trị cao hơn.
“Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã cải thiện rõ rệt về chất lượng, giá cả và khả năng cung ứng,” ông Alberto Vettoretti, đại diện công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, nhận xét.
Giống như Samsung, các sản phẩm tiêu chuẩn như điện tử, ô tô hay quần áo thương hiệu đều có chất lượng đồng nhất vì các tập đoàn đa quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn cao ở mọi nhà máy.
“Để cạnh tranh trong thị trường này, bạn buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt”, ông Zach Herbers, giám đốc công ty tư vấn kinh doanh The Herbers Agency tại TP HCM nói.
Các nhà máy tại Việt Nam sản xuất giày dép và quần áo cho thị trường toàn cầu cũng nổi tiếng với giá cả cạnh tranh và quy trình sản xuất hiệu quả. Nike và Patagonia là hai thương hiệu lớn đặt sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành sản xuất của Việt Nam đang chuyển dần sang các lĩnh vực có giá trị cao hơn như điện tử, máy móc và xe điện.
Dù sản xuất loại hàng hóa nào, lợi thế lớn nhất của Việt Nam vẫn là chi phí lao động thấp. Theo báo cáo của PwC, năm 2020, chi phí lao động trung bình theo giờ ở Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với Việt Nam.
Thách thức lớn với Việt Nam là phải cạnh tranh về giá trong các ngành xuất khẩu đòi hỏi quy mô và hiệu quả chi phí. Ông Vettoretti cho rằng các ngành điện tử tiêu dùng và xe điện của Việt Nam vẫn thua kém Trung Quốc về sự đa dạng và nguồn cung.
“Kiểm soát chất lượng vẫn là một điểm yếu với một số nhà sản xuất nhỏ hoặc ít kinh nghiệm ở Việt Nam”, ông nhận định. “Điều này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và độ bền của sản phẩm, khiến Việt Nam khó cạnh tranh ở phân khúc cao cấp so với Trung Quốc”.
Các vấn đề về hậu cần và chuỗi cung ứng cũng là một rào cản. Việc giao hàng tại Việt Nam đôi khi không ổn định trong các giai đoạn cao điểm, ông Vettoretti cho hay.
Ngoài ra, theo ông Herbers, Việt Nam cần đào tạo thêm lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu khi mở rộng sản xuất trong các ngành công nghệ cao.
“Trình độ học vấn của lực lượng lao động ở Việt Nam khá tốt, nhưng rõ ràng đang có sự gấp rút”, ông nói. “Việt Nam cần thêm nhiều lao động có kỹ năng khi đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao”.