|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tại sao giá gạo ở Nhật Bản vẫn cao?

06:43 | 07/05/2025
Chia sẻ
Dù đã mở bán gạo từ kho dự trữ khẩn cấp, giá gạo tại Nhật Bản vẫn cao kỷ lục, gấp đôi so với năm ngoái. Tình trạng thiếu hụt kéo dài, cùng khâu phân phối chậm trễ, khiến giá vẫn neo ở mức cao, theo Japan Times.

Trong tuần bắt đầu từ ngày 14/4, giá trung bình mỗi bao gạo 5 kg tại Nhật Bản là 4.220 yen, ghi nhận tuần thứ 16 tăng liên tiếp và cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu tháng 3, chính phủ Nhật Bản bắt đầu đấu giá một phần gạo từ kho dự trữ quốc gia - biện pháp thường chỉ áp dụng sau thiên tai hoặc mất mùa nghiêm trọng - nhằm kéo giảm giá gạo. Tuy nhiên, người tiêu dùng đến nay vẫn chưa cảm nhận được tác động tích cực.

Theo ông Masayuki Ogawa, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Đại học Utsunomiya, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ vụ mùa kém năm 2023.

“Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng gạo tăng mạnh khi hoạt động du lịch nội địa và ăn uống bên ngoài hồi phục sau đại dịch Covid-19. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài sang năm 2024, thậm chí đến 2025, do ở Nhật Bản, nông dân chỉ sản xuất lúa gạo mỗi năm 1 vụ” ông Ogawa cho biết.

“Tôi cho rằng Nhật Bản sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau trong vài năm tới. Đây không phải là vấn đề có thể được giải quyết trong vài tuần hay vài tháng,” ông Ogawa nói thêm.

Giá gạo vẫn chưa hạ là do phần lớn lượng gạo được đấu giá thành công hiện chưa được chuyển đến các đại lý bán sỉ.

Theo Liên đoàn các Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia (JA Zen-Noh) - đơn vị mua gần 90% lượng gạo đấu giá - mới chỉ có khoảng 55.000 tấn gạo được chuyển đến đại lý bán sỉ trong tổng số 200.000 tấn gạo mà Liên đoàn nhận được trong tháng 4 vừa qua.

Ông Ogawa nhận định, quá trình phân phối diễn ra chậm chạp và JA Zen-Noh lẽ ra cần thông báo rõ ràng điều này, nhưng không có bất kỳ thông tin chính thức nào được công bố. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản lại liên tục phát biểu rằng gạo sẽ sớm có mặt trên thị trường, khiến người tiêu dùng thêm lo lắng.

Ngày 2/5, Bộ Nông nghiệp được cho là đã thúc giục JA Zen-Noh đẩy nhanh tiến độ phân phối.

Theo ông Ogawa, mục đích ban đầu của việc mở bán gạo lưu kho là giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, chứ không phải để bình ổn giá như trong thông báo đầu tiên hồi tháng 2.

Tuy nhiên, dưới áp lực từ chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba - có thể nhằm lấy lòng cử tri trước thềm bầu cử Thượng viện vào mùa hè này - chính sách đã dần chuyển thành biện pháp kiềm chế đà tăng của giá. Hệ quả là mục tiêu của chính sách trở nên không rõ ràng.

Ban đầu, đây là biện pháp về logistics, không nhằm đưa gạo vào siêu thị. Nhưng khi chính sách chuyển thành nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá, người dân bắt đầu chú ý đặc biệt đến giá gạo trên các kệ hàng trong siêu thị, ông Ogawa nói.

Vì thế, lượng gạo từ kho dự trữ không được phân phối đến siêu thị - như gạo dành cho bữa ăn học đường hay bệnh viện - vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Ông Ogawa cho rằng người tiêu dùng sẽ cần kiên nhẫn để chờ xem liệu việc mở bán lượng gạo lưu kho có đem lại hiệu quả hay không.

Điểm then chốt là liệu gạo từ kho dự trữ có xuất hiện trên thị trường sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào giữa tháng 5 hay không. Nếu không, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối đang ở mức thấp, ông Ogawa nhận định.

 

HT

Ông Powell tái khẳng định Fed không vội hạ lãi suất
Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh giá rằng nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ vẫn vững mạnh, do đó Fed có vị thế tốt để tiếp tục quan sát tình hình trước khi thay đổi chính sách tiền tệ.