Tại sao các thị trường lớn chưa vội tất tay vào xe thuần điện?
Ngày 12/3, tại buổi toạ đàm Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam do báo Giao Thông tổ chức, ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã cung cấp chi tiết góc nhìn về mức độ tiếp nhận xe hybrid tại Việt Nam.
Theo ông Linh, các cấp độ điện hóa của ô tô sẽ được phân loại theo mức độ phát thải khí CO2 ra môi trường và vai trò của động cơ điện. Với tiêu chí đó, xe điện hóa (EV) được chia thành 4 dòng chính: Xe hybrid điện (HEV), xe hybrid điện sạc ngoài (PHEV), xe điện chạy pin (BEV) và xe sử dụng pin nhiên liệu (FCEV).
Khác với xe chạy pin (BEV) hay sử dụng nhiên liệu hydro (FCEV) khi chạy hoàn toàn bằng năng lượng sạch, xe hybrid là cấp độ cơ bản nhất của các dòng xe năng lượng mới. Đây là loại xe sử dụng cả động cơ đốt trong truyền thống (tức động cơ chạy bằng xăng dầu) lẫn mô-tơ điện. Điều này cho phép xe có thể sử dụng song song xăng dầu và điện.
Dòng xe "lai" này được chia làm hai loại chính là xe hybrid điện (HEV) và xe hybrid điện có sạc ngoài (PHEV).
Xe PHEV có cấu tạo giống xe HEV (sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống kết hợp với mô tơ điện). Điểm khác biệt là xe PHEV có thể di chuyển quãng đường xa hơn nhờ pin trên xe có dung lượng lớn hơn, động cơ điện có công suất cao hơn. Ngoài ra, cơ chế sạc điện từ bên ngoài thông qua một cổng sạc, cũng giúp mẫu xe này hoạt động tốt hơn.
Trong khi đó, xe HEV thì lại không có cổng sạc nên hạn chế về khả năng vận hành bằng điện. Tuy vậy, xe vẫn sử dụng linh hoạt động cơ chạy xăng và điện trong lúc vận hành.
Lấy dẫn chứng ở hai thị trường lớn cho xe điện là Trung Quốc và châu Âu, ông Linh cho biết cả hai đều tập trung vào các dòng xe thuần pin điện (BEV), hướng tới loại bỏ dòng xe có động cơ đốt trong. Tuy nhiên, các thị trường này đều dành khoảng 50% thị phần cho dòng xe hybrid, ít nhất là tới giai đoạn 2030 - 2035.
Mỹ phát triển xe điện tập trung ở dòng xe thuần pin điện nhằm bảo vệ thị ngành sản xuất ô tô trong nước. Song, cũng như Trung Quốc, Mỹ cũng không thể chạy theo mục tiêu xe điện thuần pin hoàn toàn do lãnh thổ rộng lớn. Do đó, quốc gia này vẫn ưu tiên phát triển cả xe BEV lẫn xe hybrid, với mục tiêu chiếm 50% xe bán mới trong năm 2030.
Trong khi đó, Nhật Bản lại tập trung phát triển các dòng xe hybrid chứ không ưu tiên xe thuần pin điện, bên cạnh đó họ cũng đầu tư R&D thêm cho dòng xe chuyển đổi năng lượng từ khí hydro. Quê hương của nhiều hãng xe lớn như Toyota, Honda, Nissan,... đặt mục tiêu 100% xe bán mới trong năm 2035 là các loại xe năng lượng mới, tiến tới loại bỏ xe động cơ đốt trong truyền thống.
Theo ông Linh, dù cho mục tiêu phát triển khác nhau, song các quốc gia đều có kế hoạch phát triển dòng xe hybrid trong khoảng ít nhất hơn 10 năm nữa, tức là năm 2035 hoặc hơn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đa phần các thị trường lớn đều có mục tiêu cuối cùng là xe không phát thải nhưng họ vẫn "chừa" lối cho dòng xe hybrid phát triển song hành?
Theo phân tích của ông Linh, ngành ô tô tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới. Đi kèm với tác động này, xe điện thuần pin sở hữu nhiều công nghệ đột phá như chip bán dẫn, pin lưu trữ năng lượng... Điều này thúc đẩy mong muốn phát triển dòng xe thuần pin của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang xe điện thuần pin đòi hỏi sự phát triển tổng thể ở nhiều khía cạnh như hệ thống trạm sạc, cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư từ chính phủ, chính sách trợ giá cho người dân... Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu sản xuất pin như nikel, lithium... cũng là yếu tố làm chậm đi công cuộc xanh hoá giao thông.
Chính những điều này đã cản trở sự phát triển của xe điện thuần pin, thậm chí nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại họ có thể đạt được mục tiêu giao thông thuần xe điện đúng thời hạn.
"Gần như không có hãng xe nào tự tin rằng họ có thể đảm bảo tính kinh tế nếu không có trợ giá từ chính phủ", ông Phan Lê Hoàng Linh nói. Ngoài ra, ông Linh cũng lưu ý về "bong bóng xe điện" và mức độ ảnh hưởng của chuỗi cung ứng đã tồn tại hàng trăm năm của ngành công nghệ xe hơi, khi chuyển đổi quá nhanh sang xe điện.
Từ đó, việc phát triển xe hybrid đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong bối cảnh, Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế chuyển đổi xanh của thế giới, xe hybrid sẽ đóng vai trò trung gian cho quá trình này, giảm thiểu rủi ro mà các doanh nghiệp sản xuất xe thuần pin gặp phải, giảm bớt nguồn lực đầu tư cho chính phủ, phù hợp với chuỗi cung ứng địa phương.
Theo ông Linh, Việt Nam đang có sự hiện diện của nhiều hãng xe khác nhau với các mục tiêu và lộ trình điện hóa khác nhau. Nhiều hãng xe vẫn tiếp tục có kế hoạch phân phối các dòng xe HEV, PHEV tại thị trường Đông Nam Á, cũng như Việt Nam. Do đó, chiến lược và lộ trình điện hóa phương tiện giao thông của Việt Nam cần cân đối được điều này.
Ông Linh đánh giá xe hybrid nhìn chung phù hợp với thị hiếu và đặc điểm tiêu dùng mặt hàng ô tô của người Việt Nam. Các dòng xe hybrid sẽ giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn đa dạng nhiều loại xe với mức phù hợp với túi tiền lẫn nhu cầu sử dụng.
"Xe hybrid có thể chênh khoảng 100 triệu đồng so với các dòng xe đốt trong nhưng tôi nghĩ với người dùng Việt thì mức giá đó là phù hợp để trải nghiệm công nghệ mới. Tính tiện dụng của xe hybrid rất tốt khi không phụ thuộc trạm sạc và có sự phát triển lâu dài", ông Linh nói.
Thực tế, xe hybrid cũng đã nhận được sự đón nhận nhất định tại Việt Nam và nhiều hãng xe đã bắt đầu phân phối dòng xe này tại thị trường. Trong báo cáo tháng 1 của VAMA, xe hybrid đã có lần đầu tiên xuất hiện với doanh số ghi nhận là 576.
Từ Honda, Nissan, Toyota cho tới Huyndai, hay thậm chí tân binh Trung Quốc - Haval, các hãng xe đều đang giới thiệu những mẫu xe hybrid cho thị trường Việt. Toyota đang là bên tích cực nhất khi đưa ra 6 mẫu xe có tuỳ chọn "lai" cho khách hàng Việt lựa chọn gồm Yaris Cross, Innova Cross, Alphard,Corolla Cross, Altis, Camry.
Tình chung cả thương hiệu Lexus, Toyota đang có khoảng 11 mẫu xe hybrid trên thị trường Việt với doanh số tính đến năm 2023 là 8.500 chiếc.