Tài sản tỉ phú Phạm Nhật Vượng 'bốc hơi' 400 triệu USD sau đêm giao thừa, tăng trở lại 300 triệu USD sau vài ngày
Tài sản tỉ phú Phạm Nhật Vượng bốc hơi 400 triệu USD sau đêm giao thừa
Theo quan sát của chúng tôi trên bảng xếp hạng tỉ phú Forbes, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) diễn khiến khá thất thường trong giai đoạn gần đây.
Cụ thể, ngay sau khi bước sang năm mới 2019, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lập tức giảm sút 400 triệu USD, từ 6,7 tỉ USD xuống còn 6,3 tỉ USD; đồng thời thứ hạng của ông từ tiệm cận mốc 210 cũng hạ xuống 232. Xin lưu ý, đây là giá trị tài sản tức thời (Real Time), giá trị này khác với tổng giá trị tài sản công bố hàng năm của Forbes (Forbes Ranking) vào tháng 3, sau khi được các phóng viên điều tra kỹ lưỡng. Theo công bố, giá trị tài sản Forbes Ranking 2018 của ông Vượng vào khoảng 4,3 tỉ USD.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng bốc hơi 400 triệu USD sau đêm giao thừa |
Việc sụt giảm tài sản tới 400 triệu USD của vị tỉ phú số một tại Việt Nam sau một đêm khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải Forbes đã thay đổi phương thức tính toán trong việc xác định giá trị tài sản Real Time, hay do nguyên nhân nào khác? Bởi nếu tính theo giá trị cổ phiếu thì khó có thể “bốc hơi” khối lượng tài sản lớn đến vậy trong thời gian ngắn.
Theo thống kê, diễn biến cổ phiếu họ Vingroup trong khoảng một tháng cuối năm diễn biến khá ảm đạm. Cả bốn cổ phiếu VIC, VHM, VRE và SDI đều có mức tăng trưởng âm. Trong đó giảm mạnh nhất là bộ đôi VHM và VRE, lần lượt ở mức 12,8% và 15,9%, SDI cũng giảm 7,1% còn cổ phiếu của công ty mẹ VIC diễn biến khá ổn định.
Diễn biến bộ tứ cổ phiếu họ Vingroup trong vòng một tháng gần đây (VnDirect) |
Nhìn lại quãng thời gian trong năm 2018, chỉ riêng VIC đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 50%, ngược lại SDI giảm 49%, VRE giảm hơn 28% và VHM từ thời điểm lên sàn cũng đã giảm hơn 19%.
Với cách tính của riêng mình, trang tin tài chính CafeF cho rằng, kết thúc năm 2018, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên tới 178.000 tỉ đồng, tương đương đương 7,7 tỉ USD (cao hơn 1 tỉ USD cho với xếp hạng của Forbes). Khối tài sản này bao gồm 27,4% cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, công ty do ông Vượng nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.
Bất ngờ tăng trở lại 300 triệu USD sau vài ngày
Trong khi chưa tìm cách lý giải được vì sao giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng theo Forbes giảm bất ngờ đến vậy, thì theo cập nhật mới nhất, tổ chức này lại ghi nhận ông Vượng sở hữu 6,6 tỉ USD tài sản, tăng trở lại 300 triệu USD, đồng thời xếp hạng 212 trong top tỉ phú thế giới.
Với những diễn biến kể trên, có khả năng nào thống kê của Forbes bị lỗi trong những ngày vừa qua?
Thực tế, việc tài sản của ông Vượng trên Forbes tăng hàng trăm triệu USD sau một đêm không phải là “vô tiền khoáng hậu”. Ngày 17/5/2018, ngay sau khi cổ phiếu Vinhomes lên sàn, Forbes lập tức cập nhật giá trị tài sản của ông Vượng tăng thêm 400 triệu USD, chính điều này cũng giúp Chủ tịch Vingroup tăng thêm 20 bậc trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, giá trị tài sản Real Time của Forbes nhiều khi chỉ là con số tham khảo, việc công bố danh sách tỉ phú hàng năm của tổ chức này (Fobes Ranking) được đầu tư, nghiên cứu sâu hơn rất nhiều, con số khi đó đem lại tính xác thực cao hơn.
Ai sẽ là vị tỉ phú tiếp theo được Forbes gọi tên?
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có ba đại diện góp mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) sở hữu 2,3 tỉ USD (hạng 922) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) sở hữu 1,7 tỉ USD (hạng 1.273). Ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát) tạm thời ra khỏi danh sách sau diễn biến tiêu cực của cổ phiếu HPG trong năm qua.
Báo chí Việt Nam đưa ra dự báo, nhiều khả năng trong lần cập nhật danh sách tỉ phú tới này, bộ đôi Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) sẽ được gọi tên, một số ý kiến cũng cho rằng sẽ có sự góp mặt của Chủ tịch Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh và một số cái tên khác có tiềm năng…
Chỉ số Forbes Ranking, được tổ chức này công bố vào tháng 3 hàng năm, các phóng viên của Forbes sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đưa ra kết quả. Cụ thể, Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty Nhà nước và tư nhân, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Ngoài ra, Forbes cũng sẽ tham vấn hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, hay thậm chí là phỏng vấn cả nhân viên kế toán, cố vấn, luật sư... của các tỉ phú để ước tính tài sản của họ. |