|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1,2 tỷ USD sau 4 tháng

10:49 | 14/08/2023
Chia sẻ
Theo Bloomberg, nếu thương vụ IPO của hãng xe điện VinFast diễn ra đúng như dự kiến, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm tới 11 tỷ USD, giúp ông tiệm cận với top 100 người giàu nhất hành tinh.

Theo dữ liệu từ tạp chí Forbes, tính tới sáng 14/8 (giờ Việt Nam), Việt Nam có tổng cộng 6 tỷ phú, con số ngang bằng so với ngày 4/4, thời điểm tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2023.

6 tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Group Trần Bá Dương.

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là tỷ phú giàu nhất Việt Nam khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị ước tính 5,8 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với ngày 4/4, đồng thời cũng là người giàu thứ 470 trên thế giới, tăng 116 bậc.

Đứng ở các vị trí còn lại trên bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes tính đến sáng 14/8 gồm ông Trần Đình Long (2,3 tỷ USD – xếp hạng 1.338 trên toàn cầu); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,2 tỷ USD – xếp hạng 1.399); ông Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD – xếp hạng 1.819); ông Trần Bá Dương & Gia đình (1,5 tỷ USD – xếp hạng 1.972) và ông Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD – xếp hạng 2.237).

Biến động tài sản ròng của các tỷ phú Việt sau 4 tháng. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp).

So với ngày 4/4, duy nhất bà Nguyễn Thị Phương Thảo chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm. Ngược lại, bên cạnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng, có tới 3 tỷ phú Việt khác trong danh sách ghi nhận giá trị khối tài sản ròng tăng lên so với ngày 4/4, bao gồm ông Trần Đình Long (tăng 0,5 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (tăng 0,1 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang (tăng 0,1 tỷ USD).

Riêng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo Bloomberg, nếu thương vụ IPO của hãng xe điện VinFast diễn ra theo đúng kế hoạch, giá trị khối tài sản ròng của ông có thể tăng thêm 11 tỷ USD.

Bloomberg cho biết đây sẽ là giao dịch sáp nhập thông qua SPAC có quy mô lớn thứ ba trong lịch sử. Theo Bloomberg, điều này sẽ giúp giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng từ khoảng 5 tỷ USD lên 16 tỷ USD.

Nếu tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng có giá trị ước tính khoảng 16 tỷ USD, ông có khả năng lọt vào top 110 người giàu nhất hành tinh (xét theo giá trị tài sản ròng của các tỷ phú tính đến sáng 14/8).

Con số này cũng giúp ông Vượng xếp trên cả những tỷ phú nổi tiếng khác như nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ Diane Hendricks (15,8 tỷ USD), ông trùm bất động sản Hong Kong Peter Woo (14 tỷ USD) hay nhà tài phiệt người Nga Alisher Usmanov (14,4 tỷ USD).

Năm nay, số lượng tỷ phú Việt Nam đã giảm đi một người, đó là ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Nova Group. Năm ngoái, ông Bùi Thành Nhơn chính là cái tên mới nhất gia nhập danh sách tỷ phú thế giới của Việt Nam.

Thời điểm mới công bố danh sách tỷ phú toàn cầu năm 2022, ông Nhơn nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD. Sau đó, tính đến sáng 6/4/2022, ông Nhơn đã có bước nhảy vọt từ vị trí 1.053 thế giới lên 904 thế giới, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, đồng thời cũng trở thành người giàu thứ hai Việt Nam dù mới xuất hiện.

Tuy vậy, chỉ một năm sau khi có mặt trong danh sách, ông Bùi Thành Nhơn hiện nay đã không còn tên trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu do tạp chí Forbes công bố.

Anh Nguyễn

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.