|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19, doanh nghiệp nên chú trọng vào hoạt động tiếp thị

08:40 | 13/06/2020
Chia sẻ
Thói quen, tâm lí, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều sau dịch COVID -19, đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần hiểu rõ để cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi tái khởi động sản xuất, kinh doanh hậu dịch bệnh.

Ngày 12/6, hội thảo "Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức đã diễn ra tại TP HCM.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bánh kẹo Á Châu - ABC Bakey, chia sẻ trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, người nông dân trồng trái thanh long không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm đã tạo động lực cho doanh nghiệp triển khai nghiên cứu sản phẩm bánh mì thanh long và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng.

Đại diện doanh nghiệp này kì vọng thông qua việc này tạo nên làn sóng lan tỏa trong doanh nghiệp và khuyến khích họ sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông sản, thực phẩm Việt vào sản xuất, chế biến hàng hóa.

Còn theo ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết khi nhận thấy thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm diệt khuẩn, xà phòng... doanh nghiệp đã nỗ lực tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Đây cũng là hai trong 604 doanh nghiệp được Hội DN HVNCLC đã trao chứng nhận HVNCLC 2020 - 2021. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn ra từ quí I/2020, và hậu quả tác động thị trường còn tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp cần có thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Vì vậy, Hội DN HVNCLC sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, trụ vững trên thị trường nội địa, đồng thời, thúc đẩy chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” và các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết để thâm nhập thị trường thế giới.

Năm nay, doanh nghiệp đạt chứng nhận hoạt động ở đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, gồm: bánh kẹo; thực phẩm đồ hộp; thực phẩm tươi, đông lạnh; thực phẩm khô, đồ ăn liền; nước chấm gia vị; sữa và các sản phẩm từ sữa; đồ uống không cồn; rượu bia; sản phẩm vải sợi; sản phẩm từ cao su; may-thuê; da, giả da; hóa mỹ phẩm; dược phẩm; trang sức; dụng cụ làm đẹp; nhựa gia dụng; nhựa công nghiệp...

Đặc biệt năm nay có 36 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn liên tiếp 24 năm, 39 doanh nghiệp được bình chọn lần đầu.

Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19 cần nắm tâm lí người tiêu dùng và thị trường - Ảnh 1.

Hội DN HVNCLC đã trao chứng nhận HVNCLC 2020-2021 cho các doanh nghiệp vào sáng 12/6. Ảnh: Như Huỳnh.

Về chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập đã được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai trong gần 4 năm qua, đến nay đã có 146 doanh nghiệp đạt chứng nhận này.

Một một điểm rất quan trọng của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập là xây dựng được một tiêu chuẩn bước đệm giữa VietGAP và GLOBAL.G.A.P. để đưa nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới.

Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh từ nay cho đến đầu năm 2022, Hội DN HVNCLC sẽ tiến hành các hoạt động nhằm chuẩn bị hội nhập hai danh hiệu: “HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn” và “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” làm một, để khi sản phẩm mang danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” là thể hiện sản phẩm được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, được công nhận trên thị trường nội địa và sản phẩm cùng lúc cũng đạt các chuẩn về kĩ thuật an toàn, chất lượng để đi ra thị trường quốc tế.

Tái khởi động kinh doanh sau COVID-19 cần nắm tâm lí người tiêu dùng và thị trường - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng đây là bước đi chủ động, đúng hướng và mang tính đón đầu cao khi Việt Nam vừa ký kết EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác. Đó là cách làm kết hợp giữa chủ quan và khách quan, dựa trên tiêu chuẩn. 

“Không chỉ cho người tiêu dùng trong nước được sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà cả người tiêu dùng nước ngoài cũng biết đến và sử dụng các sãn phẩm chất chất lượng, giá trị của Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, cho hay dịch COVID-19 đã có những tác động ban đầu vào đầu tháng 2/2020 (sau Tết Nguyên Đán), nghiêm trọng hơn vào tháng 3 và dần được kiểm soát vào tháng 4 khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện. Theo đó, hành vi, thói quen của người tiêu dùng cũng có những thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, mức độ xem tivi của người dân tăng lên đáng kể từ cuối tháng 2, mức độ sử dụng Internet cũng tăng nhiều trong thời gian này. Instagram và TikTok là 2 mạng xã hội phổ biến xếp sau Facebook, đặc biệt là đối với nhóm người tiêu dùng trẻ.

Về mua sắm – tiêu dùng, theo khảo sát, chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh FMCG tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Giỏ hàng “mùa dịch” được nạp đầy với ba nhóm chính: thực phẩm cần thiết/tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe.

Theo đó, Kantar đưa ra dự báo sẽ mất rất lâu để khôi phục nên kinh tế, cũng như dịch bệnh có tác động lâu dài đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Tùy vào tác động của dịch bệnh, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi như thế nào trong tương lai, mà các thương hiệu và ngành ngành có xu hướng phục hồi khác nhau.

Tuy nhiên theo bà Nga, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên trên số liệu người mua hàng và dự báo nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng động lực tăng trưởng từ hoạt động tiếp thị, chuyển động các kênh mua sắm...

P. Dương