|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tái cơ cấu DNNN và sự giúp sức của ADB

11:05 | 30/10/2016
Chia sẻ
Nội dung tái cơ cấu của DNNN tham gia Chương trình Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty do ADB tài trợ chủ yếu tập trung vào xác định ngành nghề kinh doanh chính và cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ và tăng cường công tác quản trị. 

Thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” , hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng và được cơ quan chủ sở hữu phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Tuy nhiên, có không ít các đề án được xây dựng đơn giản, chưa cụ thể. Để hỗ trợ cải cách DNNN, Chương trình Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ đã đề xuất nguyên tắc tái cấu trúc.

tai co cau dnnn va su giup suc cua adb

Theo đó, Chương trình tập trung tăng cường tính hợp lực và lợi thế kinh tế quy mô; loại bỏ xung đột lợi ích giữa các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh trong hệ thống; thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, quy trình và nhân sự; hỗ trợ hợp nhất các ngành kinh doanh để tạo ra các công ty “kiểu mẫu”. Chương trình này cũng đề xuất tránh cổ phần hóa đa cấp và xem xét thoái vốn hoặc giải thể các hoạt động hoặc ngành kinh doanh không cốt lõi, đòi hỏi sự quản lý không phù hợp.

Các doanh nghiệp tham gia dự án đã được tư vấn ADB hỗ trợ hoàn thiện Đề án tái cơ cấu. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu theo các nguyên tắc của Chương trình đã giúp các doanh nghiệp như: Tổng công ty Sông Đà (SDC), Tổng công ty Cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cải thiện đáng kể các chỉ tiêu tài chính, cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng.

Nội dung tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (DNNN) tham gia dự án chủ yếu tập trung vào xác định ngành nghề kinh doanh chính và cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ và tăng cường công tác quản trị; cổ phần hóa, thoái vốn, dự báo tài chính và tính minh bạch thông tin. Ngoài ra, theo Chương trình này, các hoạt động liên quan đến an sinh xã hội cũng được các doanh nghiệp xem xét và hoàn thiện.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, theo ADB, DNNN xác định các mảng kinh doanh cốt lõi cần được quan tâm phát triển, thiết lập vai trò của công ty mẹ. Trên cơ sở này công ty mẹ chuyển giao tất cả các hoạt động kinh doanh cho các công ty con hoạt động trong cùng lĩnh vực hoặc các công ty con mới; các công ty con hoạt động trong cùng lĩnh vực được nhóm lại thành một Tổng công ty con phù hợp (nếu có nhiều lĩnh vực). Theo đó, sẽ thoái vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh ngoài ngành kinh doanh chính tại một thời điểm phù hợp; những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính được tập trung ở cấp Tổng công ty con.

Về mô hình kinh doanh được xem là xuất phát điểm của quản trị hoạt động và được lựa chọn theo bốn mô hình. Bao gồm mô hình công ty mẹ - công ty con; mô hình công ty vận hành tích hợp quản lý tập trung (IOC). Mô hình trong đó “chủ sở hữu” góp phần đáng kể vào việc giám sát, chỉ đạo và cung cấp tài chính dựa trên chiến lược phát triển của công ty trong danh mục đầu tư. Mô hình thứ tư, gần gũi hơn với cơ cấu phòng ban trong đó chủ sở hữu/ trụ sở chính đóng một vai trò cụ thể hơn trong việc thiết lập các chiến lược và quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Việc phân quyền cho công ty con được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Quản trị doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở mục tiêu DNNN được thiết lập, quản trị công ty áp dụng theo nguyên tắc của OECD đưa ra một cấu trúc và xác định phương thức đạt được những mục tiêu nhất định và giám sát hiệu quả của quy trình này.

Các yếu tố chính về tăng cường công tác quản trị là DNNN cần xây dựng và phát triển các chính sách, hướng dẫn quy trình quản trị doanh nghiệp; xây dựng sổ tay hướng dẫn về thủ tục và trách nhiệm của HĐQT và ban giám đốc; các thông lệ và hướng dẫn tốt về quản trị rủi ro doanh nghiệp và các mảng kinh doanh; đánh giá rủi ro của DNNN và các công ty con và các khuyến nghị về giảm thiểu rủi ro.

Về tái cơ cấu nợ, bao gồm tái cơ cấu tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp. DNNN thường có mức vay nợ lớn, với tỷ lệ nợ-vốn chủ sở hữu cao hơn ba lần. Điều này đã hạn chế đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp và góp phần tăng cao số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ nợ cao cũng cho thấy DNNN không chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những rủi ro và sẽ không có đủ năng lực tài chính để tài trợ cho các khoản đầu tư vốn. Tái cơ cấu nợ theo Chương trình này sẽ giúp các DNNN từng bước củng cố bảng cân đối kế toán thông qua việc thay thế các khoản vay ngắn hạn, chi phí vay (lãi suất) cao bằng các khoản vay dài hạn hơn, chi phí thấp hơn.

Tái cấu trúc doanh nghiệp bám sát các yêu cầu của tái cơ cấu DNNN thông qua việc mua lại cổ phiếu, phát hành cổ phiếu mới và thoái vốn... làm thay đổi cấu trúc doanh nghiệp giúp doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn và cho phép các DNNN khai thác những lợi thế kinh tế về quy mô và phạm vi bằng cách sáp nhập một số công ty con cổ phần nhỏ thành các đơn vị lớn hơn, được tổ chức theo cùng ngành nghề kinh doanh chính, chủ đạo.

Hiệu quả hoạt động sẽ được củng cố thông qua tái cấu trúc quản lý, được thiết kế nhằm tăng cường quy trình quản lý doanh nghiệp và nâng cao quản trị. Trong quá trình tái cấu trúc, việc tăng cường các ngành kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và thoái vốn khỏi các ngành không cốt lõi được chú trọng.

Như việc mua cổ phiếu phát hành tăng thêm sẽ làm gia tăng phạm vi kiểm soát vốn góp tại các công ty con thuộc các ngành kinh doanh cốt lõi và cải thiện hiệu quả và hoạt động tổng thể.

Cùng với đó, theo Chương trình, hệ thống quản lý thông tin bao gồm hỗ trợ xây dựng đề cương chiến lược hệ thống quản lý thông tin (MIS), đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp và giúp cho lãnh đạo công ty đưa ra được các quyết định đúng đắn và kịp thời.

Ngọc Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.