|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tài chính di động sẽ phát triển ngang với sự phát triển của Internet

10:18 | 21/06/2019
Chia sẻ
Fintech đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh, cũng như tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia thị trường. Những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro.

Tiềm năng phát triển Fintech tại Việt Nam là rất lớn

Sáng ngày 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh" nhằm nhận diện những thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực tài chính trong thời đại chuyển đổi số liên quan tới mọi mặt của đời sống.

Tài chính di động sẽ phát triển ngang với sự phát triển của Internet - Ảnh 1.

Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị "Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh" - Ảnh: QT

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tiềm năng phát triển Công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam là rất lớn.

Số lượng các công ty Fintech trong nước tăng gấp đôi trong hai năm qua lên gần 100 công ty (năm 2016 có 40 công ty) và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Fintech có thể được mô tả đơn giản là việc sử dụng các công nghệ để làm đơn giản hóa sản phẩm dịch vụ tài chính và tạo ra kênh cung trên môi trường số đáp ứng tiện lợi nhu cầu của khách hàng. Với sự tham gia của các đơn vị Fintech, tốc độ giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng sẽ tăng lên rất nhiều, trải nghiệm người dùng cũng sẽ được cải thiện.

"Tài chính di động sẽ phát triển ngang với sự phát triển của Internet. Đây là kỷ nguyên của tài chính di động", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhấn mạnh.

Bổ sung cho quan điểm trên, ông Hòe cho biết thanh toán qua di động đã tăng 170% trong năm 2018 – đây là một con số đầy ấn tượng. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã cấp phép cho 30 công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Trong hoạt động cho vay ngang hàng, theo điều tra của NHNN hiện đang có khoảng 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực này; còn theo điều tra của cơ quan công an thì hiện có khoảng 120 công ty, trong đó có cả các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thông tin chia sẻ của ông Hòe, hiện NHNN chưa cấp phép cho bất kì công ty nào hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, những công ty P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam vẫn đang chịu sự điều chỉnh của bộ Luật Dân sự.

Fintech có thể biến đổi ngành dịch vụ tài chính

Theo ông Hà Huy Tuấn, Fintech là các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính (IOSCO).

Theo đó, Fintech có tác động lớn đến ngành dịch vụ tài chính khi nó làm thay đổi sâu sắc cấu trúc các sản phẩm tài chính, cấu trúc thị trường tài chính, hành vi khách hàng, mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra sự sự mới mẻ trong các mối quan hệ giữa: Nhà cung ứng dịch vụ (công ty Fintech hoặc Ngân hàng) – Khách hàng; Nhà cung ứng giải pháp (vendor) – Ngân hàng và giữa các ngân hàng với nhau.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng Fintech cũng đem lại những rủi ro cho khách hàng, ngân hàng và cả các cơ quan giám sát. 

Cụ thể, với khách hàng sẽ là nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tài chính. Với các ngân hàng và cơ quan giám sát, Fintech có thể sẽ mang lại rủi ro thay đổi chiến lược kinh doanh do công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới; Rủi ro hoạt động do phụ thuộc vào bên thứ ba cung cấp các dịch vụ như dữ liệu; Rủi ro không gian mạng và rủi ro tuân thủ trong trường hợp ngân hàng không bảo vệ được quyền lợi khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của khuôn khổ pháp lý; Rủi ro rửa tiền cần có biện pháp giám sát cẩn trọng; Rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng với các sản phẩm Fintech…

Để hạn chế những rủi ro trên, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng cần có những khuôn khổ pháp lí cho Fintech. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những khuôn khổ pháp lí này còn rất sơ khai.

Theo đó, Việt Nam hiện mới chỉ có một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020, Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Trong khi hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech…

Trước thực trạng đó, ông Tuấn khuyến nghị trước mắt, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lí thử nghiệm đối với Fintech, trong đó có cơ chế cho phép các công ty khởi nghiệp Fintech được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường. Về trung và dài hạn, cần xây dựng một khung pháp lí hoàn chỉnh đối với fintech bao trùm các quy định cụ thể về hoạt động dịch vụ fintech, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền…

Bổ sung góp ý của ông Tuấn, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, Nhà nước cũng cần xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển fintech như chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, tạo môi trường cho đầu tư fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính – ngân hàng truyền thống…

Quốc Thụy