|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tái chế iPhone đã qua sử dụng giúp thế giới tiết kiệm trữ lượng vàng khổng lồ

14:59 | 19/04/2022
Chia sẻ
Ít ai biết rằng bên trong mỗi chiếc iPhone có rất nhiều kim loại hiếm có thể tái chế, trong đó đặc biệt phải kể đến vàng.

Tại Anh, gần 5 triệu người thừa nhận đã vứt bỏ những chiếc điện thoại cũ của họ, hệ quả là gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường. Bên trong những chiếc điện thoại này bao gồm những bộ phận độc hại như thủy ngân trong pin, màn hình tinh thể và bảng mạch, chì trong chất hàn nối các bộ phận, berili trong tiếp điểm pin và đầu nối điện tử hay asen và silica trong chip, theo Dailymail.

Trữ lượng vàng và kim loại hiếm khổng lồ từ iPhone

Tuy nhiên, có một thứ ít người để ý đó là trong những chiếc iPhone cũ bị vứt đi có chứa khối lượng vàng và kim loại quý có giá trị hàng tỷ USD. Việc vô tình vứt đi có thể gây lãng phí tiền của.

Vì vậy, một số công ty tái chế điện thoại đã ra đời, tiêu biểu như Back Market, đơn vị đang tung ra các chiến dịch quảng cáo để kêu gọi người dùng gửi các thiết bị không sử dụng đến nhằm tái chế.

"Một thiết bị di động được tái chế lại giúp tiết kiệm 258kg nguyên liệu thô", một người làm tại Back Market cho biết. Con số này tương đương với trọng lượng của một con sư tử đực châu Phi trưởng thành.

Bên dưới lớp vỏ nhựa của điện thoại thông minh là một kho tàng tài nguyên thiên nhiên, từ vàng và bạc đến một danh sách dài các nguyên tố đất hiếm. Ví dụ, tháo một chiếc iPhone thông thường và bên trong, bạn sẽ tìm thấy khoảng 0,034g vàng cao cấp, trị giá khoảng 1,6 bảng Anh cùng 0,34g bạc, 0,015g palađi và một phần nhỏ bạch kim. Thiết bị cũng sẽ chứa một lượng nhôm ít giá trị hơn nhưng vẫn tương đối đáng kể (25g) và đồng (khoảng 15g).

Nhiều người sẵn sàng vứt bỏ iPhone bị hỏng. (Ảnh: Mobilink).

Với việc hơn 55 triệu người Anh sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh, những con số nhỏ bé sẽ lớn hơn rất nhiều nếu được gộp lại.

Chẳng hạn, một tấn iPhone có thể mang lại lượng vàng gấp 300 lần một tấn quặng vàng. Tương tự, con số này với bạc là gấp 6,5 lần so với một tấn quặng bạc. Trong khi đó, 1 triệu điện thoại di động có thể cung cấp gần 16 tấn dây đồng, 15kg palađi và một loạt các nguyên tố đất hiếm rất khó khai thác và tinh chế.

Thực tế, các quy trình công nghiệp chuyên sâu liên quan đến khai thác và tinh chế nguyên liệu thô của điện thoại thông minh có nghĩa là trung bình, việc sản xuất một chiếc điện thoại thông minh duy nhất sử dụng ước tính 3.190 gallon nước, theo watercalculator.org, đủ để lấp đầy một tàu chở dầu thương mại.

Các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong iPhone có kể đến như yttrium, lanthanum, terbium, neodymium, gadolinium và praseodymium.

Trong đó, Yttrium và gadolinium được sử dụng trên màn hình; neodymium và praseodymium trong loa và tai nghe; còn lantan tham gia vào việc làm cho thấu kính nhỏ trong máy ảnh trở nên sắc nét hơn.

Nhiều vật liệu trong số này có thể được tìm thấy ở Trung Quốc, quốc gia chiếm 42% sản lượng iPhone hàng năm trên toàn thế giới.

Ví dụ, nguồn chính của gadolinium là các mỏ ở Nội Mông của Trung Quốc, trong khi phần lớn lượng lithium trên thế giới (được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion cho điện thoại thông minh), được khai thác ở Australia và Nam Mỹ. Khoảng 97% trong số đó được tái chế tại Trung Quốc.

Trung Quốc, Mỹ và Kazakhstan đều xử lý berili được sử dụng để tạo thành hợp kim với đồng nhằm tạo ra các điểm tiếp xúc pin và đầu nối điện tử trên iPhone.

Trong khi đó, oxide lantan, chất giúp camera iPhone có chất lượng hình ảnh sắc nét, chủ yếu được khai thác ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Sri Lanka và Australia. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới giúp giải thích tại sao mẫu điện thoại mới nhất của Apple iPhone 13, có giá từ 779 đến 1.079 bảng Anh, tùy thuộc vào dung lượng lưu trữ.

Người dùng đang lãng phí khi vứt bỏ điện thoại cũ

Tuy nhiên, tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì khi thiết bị thông minh bị hỏng, hoặc lỗi thời. Người dùng sẽ có xu hướng vứt bỏ và thay thế bằng những thiết bị khác.

Nghiên cứu của mạng di động Giffgaff chỉ ra rằng có tới một nửa số người tham gia khảo sát sẵn sàng vứt bỏ điện thoại thông minh khi chúng bị hỏng. Trong đó, 1/4 cho rằng không muốn sửa chữa thay thế bởi những chiếc điện thoại cũ không được hỗ trợ các phần mềm mới nhất.

Điện thoại thông minh cùng laptop, là nguồn chính của rác thải điện tử. Hơn 1,2 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra tại Vương quốc Anh mỗi năm, đủ dể lấp đầy 6 Sân vận động Wembley.

Ngoài ra, còn rất nhiều điện thoại thông minh bị bỏ xó và không được sử dụng. Theo khảo sát, cứ 10 hộ gia đình tại Anh thì có tới 6 hộ khẳng định trong gia đình có ít nhất một thiết bị không được sử dụng.

Có tới 1/3 chủ sở hữu nói rằng họ sử dụng các thiết bị cầm tay cũ như một biện pháp dự phòng khẩn cấp. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra, khi có tới 2/3 số người tham gia khảo sát nói rằng không bao giờ sử dụng các thiết bị cũ.

Nếu tất cả những chủ sở hữu đó bán điện thoại thông minh cũ của họ để tái chế, các kim loại quý khác nhau bên trong chúng có thể được chiết xuất và nung chảy để tái sử dụng, hạn chế nhu cầu khai thác quặng mới.

Tháng trước, Royal Mint - công ty sản xuất tiền đúc của Anh, bán vàng thỏi cho các nhà đầu tư dưới dạng thanh và tiền xu - đã thông báo rằng họ đang thiết lập một nhà máy hiện đại, chuyên thu hồi vàng từ các bảng mạch bị bỏ đi.

Ban lãnh đạo Royal Mint dự kiến ​​sẽ xử lý tới 90 tấn bảng mạch mỗi tuần, chiết xuất hàng trăm kg vàng mỗi năm. Vàng chất lượng cao này sau đó sẽ được đúc lại bởi Royal Mint.

Một giải pháp thay thế khác là sửa chữa các thiết bị thay vì chỉ cho chúng vào thùng. Các nhà sản xuất đang chuẩn bị tung ra các chương trình sửa chữa cho chủ sở hữu, cho phép người tiêu dùng tự sửa điện thoại thông minh bị lỗi.

Chương trình của Samsung sẽ ra mắt tại Mỹ vào mùa hè, khi những người sở hữu điện thoại thông minh của công ty sẽ có quyền truy cập vào các bộ phận thiết bị và công cụ sửa chữa, cùng với hướng dẫn từng bước về cách khắc phục.

Dù vậy, một cái nhìn ngắn gọn về một loạt công cụ liên quan và độ phức tạp của việc sửa chữa chỉ ra rằng phương pháp hướng dẫn sửa chữa có lẽ chỉ phù hợp với những người có năng lực chuyên môn.

Một cách đơn giản hơn nhiều là đổi cũ lấy mới. Tuy nhiên, nếu làm theo cách này, người Anh có thể tiêu tốn 6,9 tỷ bảng mỗi năm. Do đó, đây cũng không phải là cách thực sự khả thi.

 

 

Quốc Anh