Tác động từ sự can thiệp 'nóng' vào thị trường tiền tệ của BoJ
Ít ai nghĩ rằng một ngân hàng trung ương nào khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đủ mạnh dạn để can thiệp trực tiếp như Nhật Bản đã làm vào hôm 22/9. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các thị trường nên chuẩn bị cho sự can thiệp bằng lời nói nhiều hơn và các đợt tăng lãi suất mạnh hơn khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng ngăn cản sự đi lên của đồng tiền Mỹ.
Đồng USD đã tăng 16% kể từ đầu năm nay so với rổ các đồng tiền chủ chốt. “Đồng bạc xanh” đang trên đà hướng tới mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất kể từ ít nhất những năm 1970.
Ugo Lancioni, người đứng đầu bộ phận tiền tệ toàn cầu của nhà quản lý quỹ Neuberger Berman, cho biết: “Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang có một động lực để hành động nhanh chóng hơn. Ông Lancioni cho biết thêm, một số nước châu Âu muốn có một đồng tiền mạnh hơn, có nghĩa là động thái này của BoJ không phải là không được hoan nghênh.
Nhóm các nước G7, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đã có một thỏa thuận lâu đời rằng thị trường quyết định tỷ giá tiền tệ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cho biết, việc này sẽ khiến Tokyo chậm trễ trong việc đối phó với các động thái sắc bén.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, Nhật Bản có quan hệ tốt với Mỹ, nhưng từ chối cho biết liệu Washington có đồng tình với sự can thiệp của Nhật Bản để hỗ trợ đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998 hay không.
Đồng USD tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, lo ngại về suy thoái kinh tế và bất ổn địa chính trị sau cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na).
Quy mô và tốc độ tăng của đồng USD - điều được cho là quan trọng hơn đối với các nhà hoạch định chính sách - đã được chú ý. Trong khi đó, đồng yen mất giá mạnh nhất, giữa bối cảnh BoJ kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng, ngay cả khi những ngân hàng khác lao vào “vòng xoáy” tăng lãi suất.
Đồng USD đã tăng 23% so với đồng yen kể từ đầu năm nay, mức tăng lớn nhất trong ít nhất 27 năm và tăng gần 10% kể từ đầu tháng Tám.
So với crown của Thụy Điển, đồng USD tăng 22%, trong khi đồng bảng Anh đã mất 17% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong 37 năm, còn đồng euro giảm 14% so với đồng USD.
Đồng tiền yếu hơn, có thể đẩy giá nhập khẩu cao hơn, là tin xấu đối với các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng kiềm chế áp lực giá cả.
Fed đã đẩy nhanh chu kỳ tăng lãi suất với một số đợt tăng mạnh từ tháng Năm cho tới nay, thu hút nhiều tiền mặt hơn vào Mỹ. Nhưng các ngân hàng trung ương khác bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang bắt kịp Fed với các đợt tăng lãi suất “mạnh tay” hơn, ngay cả khi một cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ đẩy các nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.
ECB đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên vào đầu tháng này. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) hôm 22/9 đã nâng lãi suất chủ chốt và đưa lãi suất ra khỏi vùng âm, trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) ngày 20/9 gây bất ngờ với mức tăng lãi suất 1%.
Richard Benson, đồng Giám đốc đầu tư tại Millennium Global Investments, cho biết ngoài SNB, vốn thường xuyên can thiệp vào thị trường tiền tệ, một sự can thiệp từ các ngân hàng trung ương khác là điều khó có thể xảy ra.
Các nhà phân tích nói thêm rằng, động thái của BoJ, đã khiến đồng USD giảm 2% vào ngày 22/9, không có khả năng tạo ra sự khác biệt nếu không được hỗ trợ bởi các thay đổi chính sách.