|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 1)

21:44 | 01/08/2019
Chia sẻ
Các diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, khu vực chiếm hơn 50% tổng trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng của thế giới, lâu nay thường có tác động nhất định đến giá dầu trên các thị trường thế giới.
Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 1) - Ảnh 1.

Tàu chở dầu mang cờ Anh "Stena Impero" ở gần Eo biển Hormuz ngày 21/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, những căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong mối quan hệ Mỹ-Iran, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran, đã phần nào cho thấy đánh giá trên không hoàn toàn đúng trong một số thời điểm, bởi cuộc khủng hoảng với Iran là tâm điểm vẫn dai dẳng và những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nay chưa thể tạo áo lực đáng kể lên giá dầu như dự báo của giới thị trường và các chuyên gia.

Mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa Mỹ và Iran đã xấu đi sau khi Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vào tháng 7/2015.

Căng thăng giữa hai nước đã leo thang nhanh chóng khi chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện một bước đi như liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào “danh sách các tổ chức khủng bố”, bãi bỏ quy chế miễn trừ lệnh trừng hạt đối với các khách hàng mua dầu của Iran, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu phong tỏa toàn diện hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này. 

Đồng thời, Washington cũng tăng số binh sĩ tới Trung Đông và điều động hạm đội tàu sân bay đến vịnh Ba Tư.

Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran ngày càng trở nên căng thẳng khi Tehran quyết định phá vỡ giới hạn về dự trữ urani làm giàu theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục không thực thi thỏa thuận này, nhằm trả đũa việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Đối đầu Mỹ-Iran tiếp tục leo thang và chuyển sang một giai đoạn tồi tệ hơn, mà giới quan sát gọi là “bên miệng hố chiến tranh”, khi Tehran tấn công 6 tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz trên biển Oman, đẩy thị trường dầu mỏ thế giới vào trạng thái bất an.

Sau một loạt vụ tấn công vào tàu chở dầu, Mỹ tiết lộ kế hoạch thành lập một liên minh nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Vùng Vịnh (trên Eo biển Hormuz và Bab al-Mandeb) với sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Washington. 

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến và máy bay tuần dương tới khu vực Vịnh Ba Tư cũng như lắp đặt camera và các thiết bị giám sát khác trên các tàu chở dầu đi qua khu vực này.

Về chiến lược, Mỹ hiện có tất cả 7 căn cứ quân sự trong Vịnh Ba Tư, đặt tại Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)  và Bahrain. Ở bờ Đông Vịnh Ba Tư, Iran đặt không dưới 10 căn cứ không quân, hải quân và các trạm có trang bị tên lửa đất đối không.

Trung Đông là một tuyến huyết mạch của các hoạt động giao thương dầu mỏ và khí đốt. Khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 1/3 lượng dầu giao dịch trên toàn cầu, được vận chuyển qua tuyến đường này.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Đông chiếm hơn 50% trữ lượng dầu mỏ qua kiểm chứng của thế giới. Khu vực này cũng là nơi hội tụ rất nhiều mối căng thẳng, giữa Mỹ với Iran, giữa Iran với Saudi Arabia, giữa UAE với Iran, đó là chưa kể Israel là kẻ thù không đội trời chung của Iran.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 tàu chở dầu và khí đốt rời Vịnh Ba Tư đi qua Eo biển Hormuz. Phần lớn số tàu này có điểm đến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng trong số các khách hàng mua dầu của Trung Đông có cả châu Âu và Mỹ. 

Nếu Iran phong toả Eo biển Hormuz, khả năng còn lại duy nhất để đưa dầu mỏ của Trung Đông ra thế giới bên ngoài là đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia. Nhưng công suất của đường ống này chỉ là 6-7 triệu thùng/ngày, thay vì gần 18 triệu thùng được vận chuyển bằng đường biển qua Eo biển Hormuz.

Những diễn biến nói trên lúc đầu đã có tác động ngay lập tức lên các thị trường dầu mỏ quốc tế do lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. 

Sau khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran hồi tháng 5/2019, xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này trong tháng 6/2019 đã giảm xuống còn 300.000 thùng/ngày, so với mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày của tháng 4/2018, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách và trên 80% nguồn thu ngoại tệ của Tehran.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi mà sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, hiệu ứng tiêu cực mang tên khủng hoảng Trung Đông vẫn chỉ có “tác động hạn chế” tới giá dầu thế giới. 

Giá “vàng đen” đã nhích thêm vài USD/thùng nhưng vẫn chưa thể có được lực đẩy để vọt lên trên ngưỡng 70-75 USD/thùng như dự đoán của giới phân tích. 

Trong phiên giao dịch ngày 30/7, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 46 xu Mỹ (0,7%) lên 64,17 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 41 xu Mỹ (0,7%) lên 57,28 USD/thùng.

Bùi Đại Thắng