|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tác động của Trung Quốc đến cuộc khủng hoảng tiền ảo năm 2021

18:52 | 27/06/2021
Chia sẻ
Theo Financial Times, những chính sách kiểm soát, cấm khai thác, tiền điện tử nói chung và bitcoin nói riêng đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền ảo.

Thị trường tiền ảo toàn cầu nhiều phen chao đảo vì những dòng tweet của tỷ phú Elon Musk trong năm nay, nhưng "cuộc đàn áp" tiền điện tử của Trung Quốc mới thực sự là nguyên nhân hàng đầu có thể ngăn chặn những đợt tăng giá mới của bitcoin.

Tác động từ các chính sách của Bắc Kinh với tiền ảo thế giới

Đầu tuần này, giá bitcoin đã giảm xuống dưới 30.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là gần 65.000 USD vào giữa tháng 4. Trong khi các dòng tweet của CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk bị cho là một trong những lý do gây ra sự sụt giảm giá này, thì một lý do chính khác là chính sách của Trung Quốc đối với đồng tiền kỹ thuật số và tiền ảo.

Tác động của Trung Quốc đến cuộc khủng hoảng tiền ảo 2021 - Ảnh 1.

Chính sách của Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến bitcoin và các loại tiền ảo khác rớt giá. (Nguồn: Economic Times)

Thực tế, Trung Quốc đã luôn có lập trường kiên định chống lại tiền điện tử. Hồi năm 2013, ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu cấm các tổ chức tài chính xử lý giao dịch đồng bitcoin khi giá của đồng tiền kỹ thuật số này tăng từ 100 USD lên 1.000 USD trong vòng vài tháng. Bắc Kinh cũng đã cấm gây quỹ thông qua các đợt chào bán ban đầu và đóng cửa các sàn giao dịch bitcoin trong nước vào năm 2017 ngay cả trong thời điểm bitcoin và các loại tiền ảo khác tăng giá mạnh.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường các chính sách thắt chặt với tiền ảo trong những tháng gần đây, tìm cách cấm tuyệt đối cả việc khai thác và giao dịch loại tài sản kỹ thuật số này.

Vào tháng 5, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc đã đưa ra cảnh báo rằng cần phải "trấn áp hành vi khai thác và kinh doanh bitcoin, đồng thời kiên quyết ngăn chặn việc truyền các rủi ro cá nhân cho toàn xã hội".

Quyết định được đưa ra sau khi 3 hiệp hội tài chính được nhà nước hỗ trợ của Trung Quốc nêu lên lo ngại về những rủi ro xuất hiện từ sự biến động của tiền điện tử. Họ cũng chỉ đạo các thành viên, bao gồm những ngân hàng và công ty thanh toán trực tuyến trên cả nước không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền ảo.

Các công cụ khai thác tiền ảo ngừng hoạt động

Ngay sau cảnh báo của chính phủ Trung Quốc, một số công ty khai thác tiền ảo bao gồm HashCow và BTC.TOP đã tạm dừng tất cả hoặc một phần hoạt động tại Trung Quốc vào tháng 5. Điều này có ảnh hưởng rất lớn vì từ trước đến nay, số thợ đào Trung Quốc chiếm tới 70% hoạt động khai thác tiền điện tử trên toàn thế giới.

Đến đầu tháng 6, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc là Weibo đã chặn một số tài khoản nổi bật liên quan đến tiền điện tử, nói rằng mỗi tài khoản trong số đó "vi phạm luật và quy tắc".

Vào ngày 21/6 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng đã trao đổi, yêu cầu một số ngân hàng trong nước và các công ty thanh toán như Alipay, thúc giục họ thắt chặt các hạn chế đối với giao dịch tiền điện tử và chỉ đạo họ ngừng tạo điều kiện cho các giao dịch tiền ảo. 

Những tổ chức này cũng phải điều tra toàn diện và xác định các sàn giao dịch tiền điện tử, tài khoản vốn cổ phiếu chưa niêm yết của các đại lý, cắt đứt liên kết thanh toán cho các quỹ giao dịch "một cách kịp thời".

Những động thái của Trung Quốc đã buộc một số thợ đào phải đóng cửa hoặc bán máy đào của họ trong tuyệt vọng và rời khỏi. Một số thợ đào cũng đang chuyển hoạt động ra nước ngoài, tới các quốc gia như Kazakhstan, theo báo cáo của Reuters.

Thực chất, việc áp dụng các chính sách mới của Trung Quốc với tiền ảo có thể khiến tới 90% các hoạt động khai thác tiền điện tử diễn ra ngoại tuyến trong nước – trích dẫn ước tính của Adam James, một biên tập viên cấp cao tại OKEx Insights.

Thu Phương