|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Syria kiệt quệ vì nội chiến

20:53 | 09/04/2017
Chia sẻ
Kinh tế Syria kiệt quệ vì 6 năm nội chiến. Một sự hồi phục nhanh chóng là khó có thể diễn ra.

6 năm nội chiến không chỉ là cơn ác mộng đối với người dân Syria, mà còn làm nền kinh tế kiệt quệ. Và dù xung đột có kết thúc trong vài năm tới, những thiệt hại về cả con người và cơ sở hạ tầng có thể kiềm hãm tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề

Cuộc nội chiến đã tác động mạnh đến tài sản của các lĩnh vực công và tư nhân của Syrian, bao gồm y tế, giáo dục, năng lượng, nước và vệ sinh, nông nghiệp, giao thông, nhà đất và những cơ sở hạ tầng khác.

Theo một báo cáo của ngân hàng thế giới, tổng thiệt hại của 6 thành phố là Aleppo, Dar’a, Hama, Homs, Idlib, và Latakia tính đến tháng 3/2016 ước tính nằm trong khoảng 5,6 tỷ - 7,2 tỷ USD. Trong khi đó, viện nghiên cứu chính sách kinh tế Syrian (SCPR) ước tính tổng thiệt hại cơ sở hạ tầng vật chất của toàn Syria là 75 tỷ USD. Liên Hợp Quốc ước tính sẽ cần đầu tư 150-200 tỷ USD để đưa GDP của Syria quay trở lại mức trước khi xảy ra nội chiến.

Kinh tế Syria tiếp tục đi xuống trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn từ năm 2011, và tăng trưởng kinh tế giảm 62% từ 2010 đến 2014. Theo dự báo của BMI Research, kinh tế Syria sẽ giảm trung bình 3,9% mỗi năm từ năm 2016 đến 2019, kéo nền kinh tế quay trở lại những năm đầu 1990. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria giảm mạnh từ năm 2011, đặc biệt là trong ngành sản xuất và nông nghiệp. Năm 2015, GDP của Syria giảm khoảng 12%. Sau khi tăng lên gần 90% trong năm 2013, lạm phát đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao gần 30% năm 2014 - 2015.

Sản lượng sản xuất dầu giảm mạnh và thương mại bị gián đoạn vì nội chiến đã tác động đến cán cân thanh toán và tỷ giá hối đoái.

syria kiet que vi noi chien

Sản lượng sản xuất của Syria giảm mạnh từ năm 2012 - 2015. Nguồn: Bloomberg.

Theo ước tính của BMI, xuất khẩu giảm 80% từ năm 2010 đến năm 2015. Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Syria với sản lượng 400.000 thùng/ ngày trước khi nội chiến nổ ra, đã giảm từ 4,7 tỷ USD năm 2011 xuống 0,14 tỷ USD năm 2015.

Phần lớn dầu thô xuất khẩu của Syria được đưa sang Liên minh châu Âu (EU), với Đức và Ý là hai quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất. Tuy nhiên, vì cuộc nội chiến, thương mại Đức – Syria sụp đổ.

syria kiet que vi noi chien
Phân bổ xuất khẩu dầu của Syria năm 2010. Nguồn: SyrianUntold.

Bên cạnh đó, rất nhiều mỏ dầu nằm trong sự kiểm soát của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tác động đến sản lượng đầu ra và hoạt động xuất khẩu của Syria.

Dự trữ ngoại hối giảm từ 20 tỷ USD cuối năm 2010 xuống 1,1 tỷ USD cuối năm 2015, trong khi đồng bảng Syria trượt giá so với đồng USD, từ 47 bảng Syria/USD trong năm 2010 lên 517 bảng Syria/USD vào cuối tháng 8/2016.

Thâm hụt ngân sách tăng mạnh, lên tới 20% GDP vì sự sụp đổ của ngành dầu và thất thu thuế. Chính phủ đã phản ứng lại bằng cách giảm chi tiêu vào tiền lương và tiền công, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho việc thất thu và chi tiêu quân sự tăng cao.

Số phận người dân Syria

Trước khi có nội chiến, dân số của Syria vào khoảng 22 triệu người, nhưng tính đến năm 2016 khoảng 4,8 triệu dân đã rời khỏi đất nước đi tị nạn. Hơn thế nữa, theo báo cáo của Trung tâm giám sát di cư quốc tế, khoảng 6,6 triệu người Syria đã bị cưỡng bức di dời đi tị nạn.

syria kiet que vi noi chien
Dân tị nạn Syria ở Trung Đông và Syria. Nguồn: Business Insider.

Ngoài ra, ước tính có khoảng 4 triệu trẻ em không được đến trường. Tổ chức cứu trợ trẻ em cũng cho biết hơn 11.000 trẻ em đã thiệt mạng, và trẻ em chiếm hơn nửa trong số dân di cư sang các quốc gia khác.

Theo SCPR, 82% người dân Syria sống trong nghèo đói, trong khi 2,96 triệu người đã mất việc vì nội chiến. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 58%.

Báo cáo của SCPR năm 2013 cho biết ước tính các lệnh trừng phạt làm gia tăng 877.000 người nghèo, và giá dầu tăng thêm 200%.

Người dân phân tán tại nhiều quốc gia và cũng không ổn định tại chính đất nước của mình, nghèo đói, thất nghiệp, cùng với cơ sở hạ tầng sập sệ khiến việc tái thiết kinh tế Syria càng trở nên khó khăn.

Theo BMI Research nền kinh tế Syria sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2020, chủ yếu phản ánh ảnh hưởng của các nhân tố cơ bản không quan trọng và nguồn trợ cấp từ bên ngoài, bao gồm viện trợ nhân đạo và đầu tư từ Nga và Iran. Đặc biệt, Syria sẽ càng trở nên phụ thuộc vào các nguồn viện trờ từ Nga và Iran vì nguồn tài nguyên của chính phủ đã cạn kiệt.

Lyly Cao

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.