SuperShip - Mô hình nhượng quyền về giao nhận, chuyển phát đầu tiên tại Việt Nam
Mạng lưới của SuperShip |
Hoạt động về dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, thu tiền hộ, SuperShip có được tỷ lệ giao hàng thành công cao nhất TP HCM hiện nay với 96,18% và đang từng bước mở rộng thị trường tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2019 SuperShip sẽ có mặt 70% tỉnh thành trên cả nước.
CEO kiêm nhà sáng lập Lê Thanh Hoài chia sẻ, SuperShip tiến hành hợp tác và chuyển giao cho đối tác ở các tỉnh thành hệ thống quản lý, quy trình chuẩn hóa của mình. Qua đó, SuperShip có thể được xem là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhượng quyền mô hình kinh doanh về giao nhận, chuyển phát cho các đối tác.
Thời gian gần đây, có những đơn vị chuyển phát mới ra đời bên cạnh đơn vị truyền thống, gặp không ít khó khăn trong phát triển, cạnh tranh của cuộc chơi giao nhận, nhưng SuperShip có thể đứng vững được và phát triển tốt được.
CEO SuperShip cho biết, việc chuyển giao mô hình của Công ty đã được thực hiện cách đây 1 tháng, ngay sau đó Công ty nhận được khoảng 200 lời đề nghị từ các đối tác, tuy nhiên ban đầu SuperShip sẽ hợp tác với 10 đối tác (Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lai Châu, và Hưng Yên) để có thời gian tập trung hỗ trợ, tạo sự thành công nhất định đối với các đối tác này.
SuperShip sẽ đào tạo chuyển giao công nghệ trong vòng một tháng cho các đối tác tại trụ sở chính của SuperShip ở TP HCM, nhằm giúp đối tác nắm quy trình vận hành, hoạt động kinh doanh của SuperShip, nâng cao năng lực quản lý và phát triển tại thị trường địa phương. Đến tháng 10/2018, SuperShip tại các tỉnh thành này sẽ đi vào hoạt động. Ông Hoài đánh giá, các đối tác có mặt ở hầu hết khu vực từ Bắc – Trung – Nam, khả năng thành công cao.
CEO SuperShip Lê Thanh Hoài (áo vest đen đứng giữa) cùng 10 đối tác. (Ảnh: Ánh Dương) |
Để hợp tác với SuperShip, ông Hoài cho biết có 4 tiêu chí để đánh giá đối tác gồm năng lực quản lý, điều hành tốt; năng lực tài chính; am hiểu về thương mại điện tử, thị trường giao nhận tại địa phương; có vị trí phù hợp cho việc vận hàng và lưu kho.
Chi phí dự kiến để ở chi nhánh SuperShip tại địa phương dao động từ 150-200 triệu đồng. Trong đó, mức ký quỹ là 50 triệu đồng nhằm để bảo đảm thanh toán COD (hiểu đơn giản đây là số tiền công mà người khách phải trả cho việc thu hộ), đối tác sẽ được hoàn tiền ký quỹ sau ba năm hoạt động; 30 triệu đồng là phí thiết lập vận hành ban đầu như chuyển giao công nghệ, phương thức kinh doanh, marketing, đào tạo nhân sự,…; 20 triệu đồng phí sử dụng thương hiệu S trong ba năm đầu; 50 - 100 triệu đồng là chi phí xây dựng cơ sở vật chất; còn lại là dự trù cho kinh doanh 1 - 3 tháng đầu.
Được biết thời gian ký hợp đồng tối thiểu là ba năm, trong thời gian này, đối tác sẽ chia sẻ với SuperShip 5% doanh thu mỗi tháng gồm 2% công tác tài chính; 2% chi phí bảo trì, nâng cấp phần mềm, cải tiến hệ thống; 1% chi phí khác (marketing, training,…)
CEO SuperShip Lê Thanh Hoài |
Dựa trên thực nghiệm tại một số khu vực điển hình, đại diện SuperShip cho biết, năm đầu mỗi đối tác có khả năng đạt 500 đơn hàng/ngày cùng tổng doanh thu trên 1,8 tỷ đồng; sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận trước thế có thể đạt khoảng trên 260 triệu đồng. Năm thứ hai nếu đạt 1.000 đơn hàng/ngày, doanh thu và lợi nhuận lần lượt 5,6 tỷ và 629 triệu đồng. Năm thứ ba kỳ vọng 1.400 đơn hàng/ngày thì doanh thu có thể đạt trên 7,8 tỷ đồng và lợi nhuận 922 triệu đồng.
Trao đổi với người viết, ông Hoài cho biết thêm, phần mềm quản lý của SuperShip là tự phát triển và luôn thay đổi theo quy mô từng đơn hàng. Tính phức tạp của giao nhận thương mại điện tử rất lớn, đặc biệt liên quan đến yếu tố con người, lĩnh vực này thâm dụng lao động. Quy mô và quy trình, thời điểm khác nhau sẽ có những phần mềm khác nhau, Công ty luôn cải tiến do đó không lo ngại việc sẽ có đối thủ bắt chước công nghệ.
Xem thêm |