|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines đã phục hồi ngưỡng an toàn?

11:16 | 25/11/2024
Chia sẻ
Với nỗ lực tự thân và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã giúp tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines cải thiện. Tuy nhiên, đến nay Hãng hàng không Quốc gia vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn phải vượt qua do hệ lụy kéo dài của COVID-19.

Những nỗ lực tự thân vượt khó

Xác định sớm khôi phục những hệ lụy từ sau giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines (VNA) nói riêng, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc VNA cho biết, Hãng đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế, đồng thời mở thêm 7 đường bay quốc tế trong thời gian gần đây. Hiện tại, VNA đã khai thác hơn 90 điểm đến trên thế giới, trong đó có 60 điểm đến nội địa và 30 điểm đến quốc tế, kết nối với hơn 20 quốc gia.

Có được kết quả khả quan này, ông Hà giải thích, VNA đã thực hiện tái cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, nhân lực, nâng cao an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ. Trong hơn ba năm qua, VNA đã tái cơ cấu lại tổ chức, triển khai các giải pháp về quản trị dòng tiền cũng như tiết kiệm chi phí, đàm phán với các đối tác. 

Cụ thể, giai đoạn 2020-2023, tổng chi phí Hãng cắt giảm, tiết kiệm được là hơn 18.000 tỷ đồng, đàm phán giảm giá tiền thuê từ năm 2021 đến hết thời hạn thuê là hơn 16.000 tỷ đồng và giãn hoãn thanh toán tiền thuê từ năm 2020 - 2026 hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, VNA đã tái cấu trúc các khoản nợ với tổng giá trị tương đương hơn 6.000 tỷ đồng để giảm áp lực tài chính. Việc tổ chức lại bộ máy và lực lượng lao động cũng được thực hiện chặt chẽ. Vietnam Airlines Group đã giảm 4 cấp đơn vị và 51 đầu mối cấp phòng. Năm 2023 tiết kiệm chi phí nhân công hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Với việc tái cơ cấu triệt để quản trị doanh nghiệp, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu hợp nhất của VNA trong 9 tháng qua đạt hơn 85.466 tỷ đồng, tăng hơn 24,64% so sánh cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.263 tỷ đồng. Riêng quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 862 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, Tổng giám đốc VNA thừa nhận hệ lụy kéo dài của COVID-19 cũng là những trở ngại, tác động tiêu cực đến toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA. Tính đến hết năm 2023, Hãng vẫn đang âm vốn chủ sở hữu hơn 17.026 tỷ đồng; thị trường hàng không tiếp tục đối mặt với các thách thức kéo dài như xung đột chính trị, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…

 

Tàu bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Vietnam Airlines).

 

Cần hỗ trợ thêm để sức khoẻ tài chính an toàn?

Đánh giá kết quả tích cực gần đây trong hoạt động của VNA chưa thể giúp Tổng công ty vượt qua những khó khăn và khắc phục hoàn toàn những hậu quả do đại dịch COVID-19 để lại.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các chỉ tiêu hoạt động tài chính của VNA chưa trở lại ngưỡng an toàn mà tiếp tục trạng thái xấu với mức đánh giá xếp hạng rủi ro cao; đây là khó khăn lớn cho những nỗ lực, cố gắng của VNA và cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế-xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp.

Từ đó, ông Thắng cho rằng, VNA sẽ cần thêm những quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hoạt động, thực hiện theo các quy định pháp luật và cơ chế chính sách từ phía các cấp, cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó có việc hoàn thiện và xem xét phê duyệt triển khai Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt với các giải pháp về bổ sung nguồn lực tài chính, cải thiện thanh khoản, ổn định dòng tiền, triển khai đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không của VNA tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gia hạn các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất vay, cơ cấu nhóm nợ vay...

Để trở lại với nhịp độ và đà tăng trưởng ổn định như giai đoạn trước đối với các Hãng hàng không Việt Nam và cụ thể với VNA sẽ là một con đường dài, còn nhiều thách thức.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để Hãng phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nhằm không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn chuẩn bị cho sự phát triển tương lai; có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không nói chung về thuế bảo vệ môi trường, chi phí cất hạ cánh, bổ sung nguồn vốn vay,…

“Nhà nước cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, quyết định các dự án đầu tư. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay, không phải ‘cá lớn nuốt cá bé’ mà còn cả ‘cá nhanh nuốt cá chậm,” ông Hòa chỉ ra thực tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, xu hướng phục hồi trong khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp đầu ngành như VNA cần được phục hồi về trạng thái tốt nhất để đủ sức dẫn dắt cả hệ sinh thái ngành hàng không Việt Nam.

“VNA chỉ đạt được mục tiêu đó khi thực hiện đồng bộ, nhất quán, kịp thời các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thiết. Bất kỳ một giải pháp nào không thực hiện được hoặc thực hiện được một phần hay chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của VNA,” ông Kiên đánh giá.

Bích Thu