Vietnam Airlines lãi từ chênh lệch tỷ giá gần 390 tỷ quý III
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần quý III tăng 13% so với cùng kỳ lên 26.600 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đóng góp 77% vào cơ cấu doanh thu. Doanh thu bán hàng (chưa tính giảm trừ) đạt 4.575 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ. Còn lại chủ yếu đến từ hoạt động phụ trợ vận tải và sửa chữa máy bay cùng nguồn thu khác.
Lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines đạt 2.744 tỷ, tương ứng với biên lãi gộp 10,3%, tăng mạnh so với con số 5,2% của quý III năm ngoái.
Chi phí tài chính giảm 57% so với cùng kỳ còn 812 tỷ do giảm lãi vay đặc biệt là giảm lỗ tỷ giá. Trong quý III, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lãi ròng từ chênh lệch tỷ giá 387 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ ròng 936 tỷ. Còn ở quý II, hãng bay này lỗ tỷ giá tới 578 tỷ.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm.
Kết quả, hãng hàng không quốc gia báo lãi sau thuế 862 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2.203 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 768 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 79.162 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với ba quý đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 6.264 tỷ, cùng kỳ còn lỗ 3.534 tỷ. Lợi nhuận ròng 9 tháng đạt 5.962 tỷ.
Trong 9 tháng, Vietnam Airlines thực hiện 106.400 chuyến bay, vận chuyển hành khách đạt 17,2 triệu lượt, tăng 8,9% so cùng kỳ 2023. Vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đạt gần 226.000 tấn, tăng 42% so cùng kỳ 2023. Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa; khai thác trở lại hầu hết các đường bay quốc tế và mở thêm các đường bay mới.
Dù có lãi quý thứ ba liên tiếp song hãng này vẫn còn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 35.226 tỷ đồng tính tới cuối tháng 9 khiến vốn chủ sở hữu âm 11.087 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết mặc dù thị trường có sự phục hồi nhất định, Vietnam Airlines vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua do hệ lụy kéo dài của COVID-19. Thị trường hàng không tiếp tục đối mặt với các thách thức kéo dài như xung đột chính trị, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…
Vietnam Airlines thông tin đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo đề án, trong năm 2024 - 2025 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tổng dư nợ vay tính tới cuối quý III của hãng hàng không này là 22.127 tỷ, chiếm 39% tổng nguồn vốn và giảm quý thứ 4 liên tiếp. Trong đó khoản vay dài hạn là 7.126 tỷ.
Dù không thuyết minh chi tiết song theo báo cáo kiểm toán bán niên, Vietnam Airlines vay nợ cả bằng VND và USD. Chi phí lãi vay 9 tháng của doanh nghiệp là 1.035 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/