Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đang ra sao?
Trung Quốc (TQ) đang đưa ra nhiều chính sách kích thích nền kinh tế vốn đang bị chững lại. Một số chuyên gia lo ngại sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều quốc gia khác. Vậy nên thế giới đang hướng về nhất cử nhất động của Bắc Kinh để có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Tăng trưởng GDP thấp nhất trong ba thập niên
“Thời kỳ TQ đứng đầu những thị trường mới nổi đang dần kết thúc” - ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, nhận định tại một hội nghị kinh tế thường niên tổ chức tại Singapore.
Năm 2018, nền kinh tế TQ đạt mức tăng trưởng 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm và dự báo một con số thậm chí thấp hơn cho năm 2019. Tốc độ tăng trưởng tiền lương TQ chững lại, các công ty sản xuất dần cắt giảm nhân công. Nợ công TQ tăng gấp đôi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước, chiếm khoảng 300% quy mô nền kinh tế của nước này, theo hãng tin BBC.
Trong khi đó, xuất khẩu của TQ tháng 2-2019 giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ tháng 2-2016, theo trang Trading Economics. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang thay đổi chính sách phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm sang lấy tiêu dùng nội địa làm chủ lực.
Các chuyên gia lo ngại sự suy thoái kinh tế của TQ cũng kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia khác. Tăng trưởng của TQ chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu. TQ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm và hàng hóa xuất khẩu, trong khi các quốc gia sản xuất hàng hóa cũng phụ thuộc giao thương với TQ.
Đầu năm nay, tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) nhận định sự suy yếu của nền kinh tế TQ sẽ ảnh hưởng đến sức mua hàng công nghệ của công ty này. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô và các doanh nghiệp khác cũng cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của họ.
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất xe tải nhẹ tại Nhà máy JAC Motors ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 30-11-2018. Ảnh: REUTERS
Nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế
Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế TQ là lực lượng lao động giảm sút. Trước đây, lực lượng lao động dồi dào với năng suất cao đã góp phần tăng trưởng GDP của TQ. Nhưng vào khoảng năm 2012, dân số hoạt động kinh tế bắt đầu thu hẹp. Đây là kết quả tất yếu từ chính sách một con ban hành năm 1979.
Trong báo cáo tháng 1-2019, Capital Economics dự báo sự giảm sút của lực lượng lao động TQ có thể làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP trong năm 2030. Hơn nữa, dân số làm việc của TQ hiện giảm 0,2% mỗi năm. Chỉ có 15 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở TQ năm 2018, giảm 12% so với năm trước, mặc dù TQ đã cho phép các cặp vợ chồng có hai con từ bốn năm trước.
Các khoản nợ là một vấn đề khác mà chính quyền TQ đang phải đối mặt. Nợ hộ gia đình của TQ đã gần bằng các nước phát triển và nợ công còn cao hơn GDP danh nghĩa. TQ được trao “danh hiệu” quốc gia mang nợ nhiều nhất trong nhóm những nước đứng đầu nền kinh tế thị trường mới nổi, theo trang Foreign Affairs.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế TQ của Capital Economics, cho rằng hoạt động cho vay kém hiệu quả đã dẫn đến mức nợ tăng cao. “Các nhà hoạch định chính sách đã và đang chuyển các khoản vay từ các công ty nhà nước sang các đối tác tư nhân. Nhưng kết quả có vẻ không như mong đợi” - Evans-Pritchard nói.
Trong khi đó, các yếu tố có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển ngày càng trở nên yếu ớt trong những năm gần đây. Bất động sản với những khoản đầu tư vào nhà máy, văn phòng, chung cư từng là một nguồn tăng trưởng chính của TQ. Nhưng cơ cấu GDP của ngành này hiện nay đã giảm từ 82% năm 2016 xuống còn 71% năm 2018 và được dự đoán tiếp tục giảm vào năm 2019.
Một số vấn đề khác của TQ cũng đến từ bên ngoài. Nền kinh tế của hai cường quốc Mỹ, Trung luôn song hành phát triển với những chính sách đường lối tương tự nhau. Tuy nhiên, việc lãi suất tăng cao của Mỹ và mức tăng trưởng chững lại của TQ có thể sẽ chia cắt mối quan hệ đó, trong khi chiến tranh thương mại giữa hai nước vẫn chưa đến hồi kết.
Trung Quốc sẽ “từ giã” cuộc chơi?
Để giải quyết sự suy yếu kinh tế, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cam kết giảm thuế và phí, tăng đầu tư và kích thích các khoản vay đối với doanh nghiệp nhỏ. Bắc Kinh luôn sử dụng nhiều chính sách khác nhau để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, từ sử dụng nhóm bảo hộ thị trường tài chính đến các chương trình hoán đổi trái phiếu hoặc các gói chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng.
Chính sách kích thích tiêu dùng vẫn là một câu hỏi đau đầu của các nhà lãnh đạo TQ. Bởi vì hiện tại các hộ gia đình TQ đang mang khoản nợ cao hơn thu nhập của họ, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân suy giảm. Theo một số nghiên cứu, việc mua sắm các mặt hàng như xe hơi hay điện thoại cũng sẽ bị đình trệ vì mức tăng trưởng thu nhập đang chững lại.
Theo hãng tin BBC, vài năm gần đây, Bắc Kinh luôn khẳng định sẽ tập trung phát triển chất lượng chứ không phải tăng trưởng số lượng. TQ cũng vừa lập một hội đồng chuyên phát triển công nghệ và tài chính. Đây là một trong những động thái của chính quyền Bắc Kinh nhằm đảm bảo cam kết thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Capital Economics dự đoán tốc độ tăng trưởng thực sự của TQ sẽ rơi vào khoảng 4,5% trong giai đoạn 2018-2022; 2,8% trong những năm 2023-2030 và 1,5% trong thập niên tiếp theo. Làm quen với những dự báo tăng trưởng thấp dần là điều xảy ra khi trở thành một nền kinh tế lớn mạnh và trưởng thành, tờ Bloomberg viết. Doanh số bán ô tô tại TQ giảm 1,48 triệu chiếc hồi tháng 2-2019 so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm 13,8%, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi TQ (CAAM). Doanh số bán xe là một tham số quan trọng về sức khỏe chi tiêu của người dân và sức khỏe của nền kinh tế TQ. |
____________________________
* Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.