Sức khỏe ACB trước kế hoạch 'chuyển nhà' sang HOSE
'Chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu'
Tại tài liệu cổ đông mới công bố, Hội đồng Quản trị (HĐQT) ACB sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng kí niêm yết cổ phiếu của ngân hàng sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Nói về lí do, ACB cho biết theo định hướng của Chính phủ, việc ngân hàng chuyển đăng kí niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian.
"Xét vị thế của ACB là tổ chức có qui mô vốn hóa lớn hàng đầu trên thị trường chứng khoán niêm yết và hiệu ứng chuyển sàn, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng kí niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như: Cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HOSE với tỉ trọng đáng kể như VN30 (tỉ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)… ", tài liệu họp nêu.
ACB cho rằng việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quĩ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.
Trước tham vọng này, sức khỏe tài chính của ACB tỏ ra khá tốt khi các tỉ lệ an toàn vượt xa qui định.
Tỉ lệ nợ xấu thấp, chưa chịu nhiều tác động từ COVID-19
Trong quí I/2020, tỉ lệ nợ xấu của ACB tiếp tục ổn định, gần thấp nhất ngành khi ở mức 0,65%, nợ nhóm 2 tăng nhẹ lên 0,32%. Những con số kết quả kinh doanh trong kì chưa cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của dịch COVID-19.
Được biết, hiện 60% khoản vay của ACB là các khoản vay cá nhân và hộ gia đình. Theo giới phân tích, dư nợ ở phân khúc này cho phép ACB tối ưu hóa việc phân tán rủi ro do các khoản vay hộ gia đình thường có qui mô nhỏ và nhờ đó hạn chế sự hình thành nợ xấu so với các ngân hàng có tỉ lệ khoản vay hộ gia đình thấp hơn.
Bên cạnh đó, tỉ trọng dư nợ ngành xây dựng và bất động sản của ACB là 6,3%. Trong khi đó, độ tiếp cận của ngân hàng này với ngành sản xuất, du lịch - khách sạn và vận tải là 10,9%.
Mặc dù tiếp cận nhiều với các khoản vay hộ gia đình (60%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (31%) nhưng phần lớn đều được đảm bảo do ACB tránh làm việc với các nhà phát triển bất động sản và không tham gia vào các mảng kinh doanh lợi suất cao như cho vay các dự án bất động sản chưa hoàn thành, tài trợ cho các dự án bất động sản hay thị trường tài chính tiêu dùng.
Tính đến cuối 2019, các khoản ACB cho vay chủ yếu được thế chấp bằng bất động sản, chiếm tới 92% tổng tài sản thế chấp của ngân hàng. Giấy tờ có giá/máy móc thiết bị/hàng tồn kho lần lượt chiếm 4%/1%/3% tổng tài sản thế chấp đến cuối 2019.
Nhờ các yếu tố trên, ACB có tỉ lệ nợ xấu qua các năm khá thấp và cùng với đó là khả năng thu hồi nợ xấu tiếp tục ở mức cao khi đạt 148,3% trong quí I/2020.
Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) cũng ở mức cao khi đạt 10,91%, vượt xa qui định tối thiểu 8% và là một trong 18 ngân hàng đã đáp ứng các yêu cầu của Basel II. Tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn ở mức 26,57%, thấp hơn nhiều so với mức cho phép tối đa 45%.
Ngoài ra, thanh khoản của ngân hàng vẫn được đảm bảo nhờ lượng tiền gửi tại NHNN và dư nợ trái phiếu Chính phủ cao, chiếm 18% tổng tài sản. Tính đến cuối tháng 3, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi của ACB là 77% so với mức tối đa qui định 85% (theo thông tư 22 có hiệu lực vào năm 2020) và 99% trái phiếu nắm giữ là chứng khoán Chính phủ.
Đâu là động lực tăng trưởng trong 2020?
Với nền tảng tài chính tốt, ban lãnh đạo ACB đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng khoảng 2% lên 7.636 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán dự báo chỉ tiêu này có thể đạt hơn 7.700 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kì năm trước và sẽ mở ra một câu chuyện tăng trưởng thú vị cho ACB trong 2021.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ACB cho biết sẽ tìm cách mở rộng khách hàng của mình tăng một triệu khách hàng (95% cá nhân và 5% doanh nghiệp), trong khi vẫn duy trì tỉ lệ giữ chân khách hàng ở mức 70% -80%.
Hơn nữa, hợp đồng độc quyền bancassurance sẽ tạo điều kiện để ACB thu hẹp khoảng cách về thu nhập phí so với các ngân hàng trong hệ thống.
Trước đó, vào cuối năm 2019, ACB đã trở thành ngân hàng đầu tiên triển khai bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến nhưng hiện chỉ bán sản phẩm cho Bảo hiểm FWD trong một thỏa thuận không độc quyền.
Ban lãnh đạo cho biết khả năng cao họ sẽ kí hợp đồng phân phối độc quyền với một công ty bảo hiểm quốc tế vào nửa sau năm 2020, từ đó đem lại khoản phí trả trước (unfront fee) và tăng thu nhập ngoài lãi chung. Ngân hàng ước tính rằng bancassurance sẽ tạo ra 900 tỉ đồng doanh thu về phí (tương đương với mức tăng 50%) trong năm 2020.