Sức ép lớn với thị trường bán lẻ
Với doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội hàng năm tăng bình quân 8% -10%/năm, dân số hơn 90 triệu người, đa phần là dân số trẻ và thị trường bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần và thị trường nông thôn còn trống vắng, chưa được khai thác, việc nắm giữ các DN sản xuất và phân phối sẽ là kênh hút tiền bền vững nhất với bất cứ nhà đầu tư nào.
Sự xuất hiện của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường nội địa đã tạo nên sức ép bên ngoài mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường. Các doanh nghiệp FDI rất mạnh về vốn và chi phí vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp tốt và tính chuyên nghiệp cao. Họ có phương thức kinh doanh linh hoạt và hiệu quả, nghiên cứu kĩ thị trường trước khi tổ chức hệ thống bán lẻ ở các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú. |
Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài còn mở rộng sang các loại hình kinh doanh hiện đại khác như cửa hàng tự chọn, cửa hàng mở 24/24 và thậm chí còn xâm lấn thị trường bằng cách tổ chức các trung tâm thu mua nông sản thực phẩm vùng để cung cấp cho chuỗi và cho xuất khẩu sang các nước khác.
“Các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm gần nửa thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam. Tính về số lượng, mỗi điểm bán trong chuỗi bán lẻ của các DN ngoại có doanh số gấp 5-7 lần siêu thị của Việt Nam. Tình hình trên cho chúng ta thấy, sức ép bên ngoài là mạnh mẽ như thế nào vào thị trường bán lẻ Việt Nam”, ông Phú phân tích.
Với việc các DN ngoại ngày càng mở rộng sở hữu hệ thống sản xuất, phân phối, theo ông Phú, về lâu dài đây là mối lo lớn khi sản xuất Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và theo phong trào. Những sức ép bên trong cùng với sức ép bên ngoài đã đem lại những khó khăn cho thị trường bán lẻ Việt Nam mà cụ thể là các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.