|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn hơn cả Thái Lan, thu hút dòng vốn ngoại ồ ạt đổ về

10:44 | 03/10/2022
Chia sẻ
Nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và tiềm năng tiêu dùng nội địa tại thị trường Việt Nam.

Châu Á vẫn luôn là thị trường tiềm năng đối với các nhà bán lẻ quốc tế. Trước thời kỳ đại dịch, thị trường bán lẻ của Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cao phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nhiều nước đã nới lỏng việc di chuyển giữa các quốc gia, những thị trường này vẫn áp dụng chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ. 

Chính sách Zero-COVID đã gây cản trở cho các nhà bán lẻ, khiến các hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn. Do đó, những doanh nghiệp này đang tìm đến thị trường Đông Nam Á, nơi đã ứng phó tốt với đại dịch và mở cửa sớm cho hoạt động bay thương mại. 

Bán lẻ Việt hấp dẫn hơn cả Thái Lan, Singapore

 Bên trong một cửa hàng bán lẻ của Masan Group tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Truờng).

Theo đánh giá của ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, Thái Lan và Việt Nam đang là hai thị trường nổi bật tại Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, đặc biệt là các công ty có văn phòng tại Singpapore, đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại hai nước. 

Tuy nhiên, ngành bán lẻ của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đáng kể do yếu tố dịch bệnh. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm trong doanh thu bán lẻ đối với khách quốc tế trong hai năm COVID-19. 

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ. Ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn trong việc di chuyển quốc tế đã thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt. Do không thể bay ra nước ngoài, họ đã làm quen với việc mua sắm trong nước. 

Điều này phản ánh ở các chỉ số tiêu dùng hàng hóa bản lẻ của Việt Nam khi có sự phục hồi bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Nick Bradstreet nhận định: “Thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng quốc tế đều đã có mặt tại những thị trường này.

Từ các hãng bình dân như H&M, Zara đến những nhãn hàng cao cấp như Louis Vuitton, Dior đều đã có 5 đến 6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1 đến 2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam và mở rộng thị trường.”

Theo Savills, một năm trở lại đây tại các thành phố lớn đang xuất hiện nhiều hơn các thương hiệu bán lẻ mở mới hoặc tăng số lượng cửa hàng. Phân khúc bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt và đang tiếp tục mở rộng. Nhiều nhãn hàng mới cũng đang bước đầu gia nhập thị trường với các cửa hàng trực tuyến trước khi mở các cửa hàng truyền thống như Sephora, Perfect Diary và Maje. 

Ở phân khúc cao cấp hơn, uớc tính của Statista cho thấy thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2022 tăng 34% theo năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025.

Các thương hiệu ngoại liên tục "tấn công" thị trường

 Thương hiệu ngoại cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nội. (Ảnh minh hoạ: Thiên Trường).

Bằng quan sát dễ thấy các thương hiệu quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Đơn cử Uniqlo, thương hiệu thời trang nhanh đến từ Nhật Bản. Bất chấp những tác động của dịch bệnh, nhãn hàng này tiếp tục theo đuổi chiến lược mở các cửa hàng truyền thống, liên tiếp khai trương thêm những cửa hàng mới tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP HCM.

Hay như đối thủ của Uniqlo là H&M, sau 3 năm hoạt động với 9 cửa hàng hiện diện tại 3 thành phố lớn của Việt Nam, đầu năm ngoái, H&M cũng đồng loạt mở thêm hai cửa hàng ở Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên 11, trong khi đã vừa phải đóng cửa 250 cửa hàng trên toàn cầu do dịch bệnh

Bên cạnh những cái tên quen thuộc trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế khác như Pandora, Weekend Max Mara... Ngoài thời trang, Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ toàn cầu như: FamilyMart, K-Mart, Lotte, Central Group và Circle K...

Tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới AEON (Nhật Bản) đã có mặt ở 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam. AEON đang lên kế hoạch tăng số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ con số 6 trung tâm hiện nay lên 16 trung tâm vào năm 2025. 

Vốn ngoại đổ về

Masan Group là cái tên nổi bật trong các hoạt động M&A của ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua. (Ảnh minh hoạ: Thiên Trường).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực thu hút vốn lớn thứ tư, sau ngành công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản và khoa học công nghệ với số vốn đạt trên 617,9 triệu USD. Nếu xét về số lượng dự án thì bán buôn, bán lẻ cũng là một trong 3 ngành thu hút được nhiều dự án nhất với tỷ lệ là 30 % trong tổng số dự án.

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua sôi động với loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) mà CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN, Masan Group) là một cái tên đáng để nhắc đến. Tập đoàn này đã liên tục thực hiện thương vụ M&A với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn ngoại.

Đơn cử như thương vụ SK Group của Hàn Quốc mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị/cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+) với tổng giá trị tiền mặt khoảng 410 triệu USD. 

Trong năm ngoái, Masan Group cũng đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX (nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và WinCommerce) cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA - một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD.

SK Group tiếp tục chi ra 340 triệu USD để có 4,9% cổ phần tại The CrownX của Masan Group để thực hiện tham vọng cùng với Masan Group đưa WinCommerce phát triển thành một doanh nghiệp đa kênh bao gồm cả thị trường trực tuyến và ngoại tuyến. Giữa tháng 12/2021, The CrownX tiếp nhận thêm 350 triệu USD của các nhà đầu tư gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và SeaTown Holdings.

Với những tín hiệu trên, có thể thấy, ngành bán lẻ quốc nội đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền COVID. Nền kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng tốt ở mức 6.4% trong 6 tháng đầu năm, chuyên gia Savills nhận định.

Thiên Trường