|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nikkei: Tập đoàn bán lẻ Aeon thử nghiệm thời trang nhanh giá rẻ tại Việt Nam

15:16 | 10/09/2022
Chia sẻ
Với dân số trẻ và đam mê mua sắm, Việt Nam đã trở thành “lời đáp” mà tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon dành cho các thương hiệu may mặc như H&M và Uniqlo.

Thương hiệu thời trang của Aeon 

Theo đưa tin từ Nikkei Asia, My Closet - nhãn hàng thời trang mới của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon, vừa ra mắt tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân, TP HCM.

My Closet đang có khoảng 400 mặt hàng khác nhau, chẳng hạn như áo thun và quần short, chủ yếu nhắm đến đối tượng nữ giới từ 16 đến 24 tuổi. Quần áo tập trung vào các màu sắc cơ bản phổ biến như đỏ và vàng.

Giá sản phẩm tại My Closet chỉ tương đương khoảng 50% - 70% so với các mặt hàng cùng chuẩn loại của các nhà sản xuất khác.

Trong khi một chiếc áo thun của một thương hiệu phương Tây hoặc Nhật Bản khác có thể có giá từ 200.000 đến 300.000 đồng (khoảng 8,5 đến 12,75 USD) thì loại tương tự tại My Closet có giá khoảng 150.000 đồng (khoảng 6 USD).

Sản phẩm áo thun bày bán tại My Closet. (Ảnh: Nikkei).

Chia sẻ với Nikkei, ông Yasuyuki Furusawa - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi đặt mục tiêu biến My Closet trở thành bước đột phá đầu tiên của Aeon trong lĩnh vực thời trang nhanh”.

Là một phần trong chiến lược tập trung vào thị trường châu Á bên ngoài Nhật Bản, Aeon hiện có một số kế hoạch tại Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.

Một số nhà máy Việt Nam đang nhận gia công hàng may mặc cho My Closet. Quy trình sản xuất bất kỳ mặt hàng nào cũng sẽ chỉ kéo dài một hoặc hai tháng, theo Nikkei.

Tuy nhiên, Aeon sẽ liên tục bổ sung các thiết kế mới, giữ cho công suất hoạt động ở mức cao và giúp giảm bớt chi phí. Tập đoàn sẽ hạn chế chi phí vận chuyển bằng cách sử dụng các tuyến phân phối hiện có giữa các cửa hàng.

Trong thời gian tới, Aeon sẽ nhân rộng thương hiệu mới tại các cửa hàng khác ở Việt Nam, đồng thời xem xét bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng như ở các nước lân cận như Malaysia.

Kể từ khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, Aeon đã mở khoảng 200 cửa hàng trên khắp cả nước, bao gồm nhiều siêu thị và 6 trung tâm thương mại.

Việt Nam là thị trường trọng điểm

Trong kế hoạch trung hạn do Aeon công bố hồi tháng 4 năm ngoái, tập đoàn đặt mục tiêu tạo ra 25% lợi nhuận hoạt động bên ngoài thị trường Nhật Bản trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2026 - cao hơn 3 điểm % so với 4 năm trước đó.

Chìa khoá cho kế hoạch trên là chuyển hướng sang thị trường châu Á - nơi Aeon mong muốn tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động vào năm 2026 so với 6 năm trước đó, lên hơn 100 tỷ yen (tương đương 700 triệu USD).

Thay vì đưa mô hình kinh doanh tại Nhật Bản đến các nước khác, Aeon đang phát triển chiến lược mới phù hợp với từng thị trường đích.

Việt Nam - nơi mà một giám đốc cấp cao của Aeon gọi là “thị trường quan trọng nhất trong chiến lược quốc tế của tập đoàn”, sắp sửa đón nhận một làn sóng đầu tư. Aeon dự kiến sẽ mở thêm 100 siêu thị tại nước ta vào năm 2025 - gấp 10 lần con số hiện nay và tăng gấp ba lần số trung tâm thương mại lên 16.

Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, chỉ sau Indonesia và Philippines tại ASEAN. Trước đại dịch, nền kinh tế nước ta tăng trưởng hơn 7% một năm. Kể từ khi các hạn chế COVID được dỡ bỏ, hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Trong quý II năm nay, tổng sản phẩm quốc nội thực cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 7,7%.

 

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và người trẻ giờ đây có nhiều tiền cũng như sẵn sàng mua sắm hơn. Theo Statista, thị trường may mặc của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gần 50% từ năm 2021 lên 7,33 tỷ USD vào năm 2025.

Các thương hiệu toàn cầu đang chen chân vào thị trường Việt Nam. Fast Retailing - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng Uniqlo, đến Việt Nam vào năm 2019. Hiện, Uniqlo đã mở được 12 cửa hàng vật lý cùng một cửa hàng trực tuyến tại đây.

Nhà bán lẻ thời trang Thuỵ Điển H&M hiện có mạng lưới 12 cửa hàng tại Việt Nam sau khi gia nhập thị trường vào năm 2017.

Chia sẻ với Nikkei, ông Furusawa của Aeon Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi không thể đứng yên”.

Khả Nhân