Sửa mặt cầu Thăng Long: Vì sao mời chuyên gia Nga, tiền đâu để sửa?
Khẩn trương xử lý các bất cập tại Dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long |
Đó là câu trả lời của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi họp báo quý III của bộ này vào chiều 28/9.
Cầu Thăng Long có 2 tầng, đo chung cả đường sắt và đường bộ. Mặt tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài hơn 3km, rộng 20,5m, với 4 làn xe cơ giới. Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.
Cầu Thăng Long. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mặt cầu Thăng Long từng được sửa chữa tổng thể với công nghệ Mỹ, nhưng không thành công.
“Vào năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu”, ông Đông nói.
Do đó, lần này Bộ GTVT đã mời đoàn chuyên gia Nga tham gia, và ngày 17/9 vừa qua, đoàn này đã tới Việt Nam trực tiếp khảo sát mặt cầu, trao đổi về nguyên tắc hợp tác.
Mặt cầu Thăng Long đang bị lún, nứt, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. |
“Đoàn có cả chuyên gia đã tham gia xây dựng cầu Thăng Long trước đây, và chuyên gia về chất bám dính giữa mặt cầu thép và thảm nhựa với công nghệ chỉ Nga mới có. Sau đó họ mới có đánh giá và đề xuất phương án”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, sau khi các chuyên gia Nga đưa ra phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, phía Việt Nam sẽ đánh giá, so sánh cùng với các phương án của Nhật, Đức để lựa chọn phương án nào đảm bảo độ tin cậy, phù hợp điều kiện Việt Nam.
Sau khi chọn phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Bộ GTVT sẽ công bố. Về thời gian khắc phục, theo ông Đông, phải đợi phương án được lựa chọn. Kinh phí sửa chữa cầu, Bộ GTVT dự kiến lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương.
Về chất lượng cầu Vàm Cống sau sự cố, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho hay, các kết quả nghiên cứu độc lập của Viện Khoa học công nghệ và Tư vấn quốc tế Arup đều đưa ra đánh giá nguyên nhân xảy ra nứt dầm ngang CB6 là kết hợp của ba nhóm nguyên nhân: Ứng suất tập trung, ứng suất dư và chất lượng thi công đường hàn tại công trường khi tổ hợp, lắp ráp dầm ngang CB6.
Vết nứt dầm ngang tại vị trụ P29 cầu Vàm Cống. |
Nhưng để xác định rõ cơ chế gây nứt cần tiếp tục thực hiện một số thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim kết hợp với các thí nghiệm đặc thù, chuyên sâu.
Tuy nhiên, để thực hiện các thí nghiệm, phân tích nêu trên cần có thời gian và chỉ thực hiện được khi tiến hành tháo dỡ dầm ngang CB6, do đó khi nghiên cứu lựa chọn phương án khắc phục đã cân nhắc lựa chọn phương án khắc phục được toàn bộ các nhóm nguyên nhân mà không phụ thuộc vào việc xác định cơ chế gây nứt.
Vì vậy, các bên đều thống nhất lựa chọn phương án thay thế bán phần dầm ngang CB6, đồng thời do cầu dây văng có tính chất đối xứng, nên khi dầm CB6 trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28, do đó việc khắc phục sẽ được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29.
Việc khắc phục phấn đấu hoàn thành sửa chữa xong trước ngày 31/12/2018 và hoàn thiện cầu, đưa vào khai thác Quý I/2019.
Xem thêm |