|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cấm phương tiện lưu thông trên cầu Thăng Long từ ngày 8/8

22:45 | 20/07/2020
Chia sẻ
Việc lưu thông trên cầu Thăng Long sẽ được tạm dừng khi dự án sửa chữa cầu Thăng Long dự kiến khởi công chậm nhất vào ngày 9/8 tới đây. Thời gian thi công hoàn thành trong quí IV/2020.
Cấm phương tiện lưu thông trên cầu Thăng Long từ ngày 8/8 - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện chủ trì buổi Họp báo. Nguồn: Tổng cục đường bộ Việt Nam

Chiều nay (20/7), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức họp báo về công tác triển khai thực hiện và phân luồng đảm bảo giao thông dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết dự án sửa chữa cầu Thăng Long dự kiến khởi công chậm nhất vào ngày 9/8 tới đây. Thời gian triển khai thi công hoàn thành trong quí IV/2020.

Được biết, tổng mức đầu tư của dự án là 269,3 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lí bảo trì Quốc lộ. 

Về công tác phân luồng đảm bảo giao thông, Tổng cục Đường bộ thực hiện công tác cắm biển báo, công bố thông tin trên các phương tiện từ ngày 20/7 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 - 8/8 và chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020.

“Để công tác thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật, đặc biệt là lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cần thiết phải tổ chức phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu (tầng 2) và điều chỉnh lại tốc độ chạy tàu ở tầng 1 trong quá trình thi công xây dựng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nói.

Theo ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lí xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải), cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cầu phức tạp. Mặt cầu đồng thời phải chịu các xe tải trọng lớn trên cầu, tải trọng tàu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.

Do đó, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là cần thiết và cấp bách.

Các đơn vị nhà thầu tham gia sửa chữa cầu Thăng Long sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép; lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén bảo đảm bền vững; thảm bê tông nhựa polyme; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

“Lần sữa chữa này của Tổng cục chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể bởi kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất.” ông Sỹ khẳng định.

Ánh Hường