|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu sửa xong mặt cầu Thăng Long trong tháng 9/2020

23:59 | 05/04/2020
Chia sẻ
Mặt cầu Thăng Long đã qua 2 đợt sửa chữa lớn vào năm 2009 và các năm từ 2012 - 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này mặt cầu Thăng Long lại bị hư hỏng nặng.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu sửa xong mặt cầu Thăng Long trong tháng 9/2020 - Ảnh 1.

Nhiều đoạn trên mặt cầu Thăng Long bị xuống cấp, rạn nứt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Quang Toàn.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung sửa chữa cầu Thăng Long để hoàn thành trong tháng 9/2020, đưa vào khai thác đồng bộ với dự án đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội).

Để đảm bảo tiến độ trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học - công nghệ, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ; lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo thẩm quyền; đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và tuổi thọ công trình; trong đó, cần lưu ý tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động cho người và phương tiện lưu thông trong khu vực thi công.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu, phê duyệt kế hoạch sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ theo đúng quy định pháp luật; theo dõi, dôn đốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai sửa chữa đảm bảo tiến độ yêu cầu.

"Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ tham gia với tư cách chuyên gia về các nội dung liên quan đến công nghệ, giải pháp kỹ thuật sửa chữa cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng khai thác ổn định, lâu dài", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mặt cầu Thăng Long đã qua 2 đợt sửa chữa lớn vào năm 2009 và các năm từ 2012 - 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này mặt cầu Thăng Long lại bị hư hỏng nặng.

Cụ thể, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Trong  đợt 2, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu Thăng Long đang được chia nhỏ ra từng hạng mục để 3 đơn vị cùng quản lý gồm: Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái quản lý toàn bộ kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng trên cầu.

Cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý phần mặt đường ô tô trên 5 liên dàn thép của cầu chính.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý phần mặt đường dẫn hai bên đầu cầu và phần đường bộ hành công vụ, hệ thống lan can.

Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m. Phần cầu chính dài 1.688m. Bề rộng mặt cầu 20,5m gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m, hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m.

Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428m; bề mặt rộng 16,5m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe.

Quang Toàn