|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sửa đổi Nghị định 20: VNREA kiến nghị cho hồi tố để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp

12:36 | 06/03/2020
Chia sẻ
Trước kiến nghị của nhiều doanh nghiệp bất động sản về những điểm bất cập của Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cho phép hồi tối từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi những bất cập tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Sửa đổi Nghị định 20: Kiến nghị cho hồi tố để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 qui định về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. (Ảnh: VTV News)

Theo đó, VNREA cho biết, Hiệp hội tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp Hội viên đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 do không còn phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp Hội viên VNREA, qui định này không phù hợp với nguyên tắc tự do, kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp...

Từ những lí do trên, HOREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 theo 3 hướng: Thứ nhất là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20; thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời gian thực hiện điều khoản nói trên. 

Và thứ ba là cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Tháng 3 này là tháng quyết toán thuế năm 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi Nghị định 20 về quản lí giao dịch liên kết được sửa đổi để có cơ sở đóng thuế. Trước đó, tháng 12/2019 (sau hơn 2 năm có hiệu lực), Bộ Tài Chính đã có động thái đầu tiên trong việc sửa đội Nghị định này sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 20 về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức trần chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp lên 30%, thay vì 20% như hiện hành.

Thông tin tại "Hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho biết, Nghị định 20 đã tiến được một bước bởi ngay sau Tết, Bộ Tư pháp đã thẩm định Nghị định 20 sửa đổi.

"Tất nhiên cũng theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp khi tăng trần chi phí lãi vay được trừ từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chưa thỏa mãn như không có qui định hồi tố, doanh nghiệp nào đã nộp thuế rồi sẽ không được hoàn lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng những vấn đề liên quan đến Nghị định này", ông Nam nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản có mặt tại Hội nghị cũng cho rằng, việc nâng mức trần chi phí lãi vay được trừ lên 30% chỉ giải quyết được một phần, cần tính hồi tố về năm 2017 để tránh nguy cơ thuế chồng thuế.

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP qui định "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kì của người nộp thuế".

Hiểu đơn giản, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lí và bị tính thuế.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017 với mục tiêu làm tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, khuyến khích doanh nghiệp khai thác nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.