|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sửa chữa nứt dầm cầu Vàm Cống cuối năm nay mới xong

07:34 | 06/06/2018
Chia sẻ
Ông Lê Kim Thành, cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), nêu các giải pháp xử lý sự cố nứt dầm ngang trên trụ neo cầu dây văng Vàm Cống (nối Cần Thơ và Đồng Tháp).
sua chua nut dam cau vam cong cuoi nam nay moi xong Nứt cầu Vàm Cống 7.000 tỷ: 'Sự cố rất hiếm, kết cấu phức tạp, đang mời chuyên gia nước ngoài đánh giá'
sua chua nut dam cau vam cong cuoi nam nay moi xong

Ông Lê Kim Thành - cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) - Ảnh: TUẤN PHÙNG

* Thưa ông, đến thời điểm này các đơn vị liên quan đã kết luận như thế nào về nguyên nhân nứt dầm ngang bằng thép trên đỉnh trụ P29 của cầu Vàm Cống?

- Việc nứt dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29 - trụ neo của cầu dây văng Vàm Cống - xảy ra vào tháng 11-2017.

Ngay khi phát hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà thầu, tư vấn, các bên liên quan thực hiện ngay các biện pháp chống đỡ để đảm bảo an toàn công trình.

Công tác quan trắc, theo dõi tình trạng kỹ thuật của cầu (kích thước hình học của kết cấu dầm, trụ tháp và ứng suất dây văng) đã được thực hiện thường xuyên.

Đến nay công trình vẫn đảm bảo trạng thái ổn định.

Bộ GTVT đã chỉ định Viện khoa học công nghệ GTVT kiểm định, đánh giá độc lập. Đồng thời mời tư vấn đến từ nước thứ 3 là tư vấn quốc tế Arup, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đánh giá độc lập để đảm bảo khách quan.

Ngay từ khi xảy ra khiếm khuyết kỹ thuật trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục.

Tất cả các bên đi đến kết luận có 3 nhóm nguyên nhân gây ra vết nứt ở dầm thép CB6 trên đỉnh trụ P29 gồm: tập trung ứng suất, ứng suất dư và chất lượng đường hàn tại hiện trường để ráp nối các cấu kiện của dầm ngang CB6.

* Phải chăng việc nứt dầm ngang ở đỉnh trụ P29 cũng kéo theo nứt dầm ngang ở đỉnh trụ P28 đối xứng bên kia cầu?

- Cầu dây văng có tính chất đối xứng, nên khi dầm CB6 trên đỉnh trụ neo P29 bị nứt đã ảnh hưởng đến dầm ngang trên đỉnh trụ P28 đối xứng phía bên kia, gây ra rạn nứt ở mức độ nhẹ.

Để đảm bảo chất lượng công trình, việc khắc phục được tiến hành đồng thời với cả hai dầm ngang trên đỉnh trụ P28 và P29.

* Việc khắc phục được tiến hành thế nào, thưa ông?

- Cầu Vàm Cống là cầu dây văng khẩu độ lớn, có kết cấu phức tạp. Theo đánh giá chung, việc xảy ra nứt dầm ngang là rất hiếm gặp. Do đó, công tác xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục đã được triển khai thực hiện thận trọng, đảm bảo không loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào; đồng thời nghiên cứu giải pháp khắc phục toàn bộ các nguyên nhân có thể xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.

Bộ GTVT đã làm việc với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về kết quả nghiên cứu. Về cơ bản hội đồng đã thống nhất với đánh giá nguyên nhân và phương án khắc phục được lựa chọn; đồng thời đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các bên liên quan lập hồ sơ thiết kế - thi công chi tiết làm cơ sở triển khai công tác khắc phục.

Trên cơ sở kết quả thẩm tra của tư vấn quốc tế Arup, Viện khoa học công nghệ GTVT và các ý kiến tham gia của chuyên gia Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang, với phạm vi thay thế trên 60% diện tích dầm ngang.

Cầu Vàm Cống là cầu dây văng đã được hợp long, đổ bêtông bản mặt cầu nên việc thay thế mới toàn bộ dầm ngang sẽ rất phức tạp do phải tháo dỡ bản mặt cầu, tháo dỡ đốt hợp long và tiến hành thi công lại, thời gian thi công kéo dài và sẽ phát sinh các rủi ro rất khó lường trước ảnh hưởng đến ổn định công trình.

sua chua nut dam cau vam cong cuoi nam nay moi xong

* Đã xác định được nguyên nhân nứt dầm, vậy ông có thể cho biết đến nay đã kết luận được nguyên nhân chính là do thiết kế hay vật liệu, chế tạo dầm thép hay chưa? Bởi vì muốn khắc phục được triệt để phải tìm được nguyên nhân chính xác.

- Vết nứt là do kết hợp của cả ba nhóm nguyên nhân nên một số thí nghiệm phân tích cơ học phá hủy vật liệu, phân tích kỹ thuật luyện kim kết hợp với các thí nghiệm đặc thù, chuyên sâu sẽ tiếp tục được thực hiện đồng thời trong quá trình thi công khắc phục để xác định cơ chế gây nứt.

Với giải pháp thay thế bán phần, đồng thời chuyển liên kết của gối kháng gió từ liên kết hàn thành bu lông để giảm thiểu tập trung ứng suất, ứng suất dư.

Khi chuyển liên kết thành bu lông sẽ phải khoan lỗ, làm giảm tiết diện dầm nên sẽ được bù lại bằng cách tăng chiều dày bản đáy từ 6cm lên 8cm, đồng thời việc tăng chiều dày bản đáy cũng sẽ có tác dụng làm tăng độ cứng của dầm ngang; cabin hàn tại hiện trường sẽ được lắp đặt đảm bảo các điều kiện hàn tương tự như trong nhà máy, với thiết bị và nhân công có tay nghề cao từ Hàn Quốc.

Giải pháp này sẽ khắc phục này toàn bộ 3 nhóm nguyên nhân trên và đã được Bộ GTVT, Viện khoa học công nghệ GTVT, tư vấn quốc tế Arup, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đồng thuận cao.

Các bên cần tiếp tục thực hiện các thí nghiệm chuyên sâu để xác định cơ chế gây nứt. Tuy nhiên do việc thực hiện các thí nghiệm chuyên sâu sẽ mất rất nhiều thời gian và chỉ thực hiện được khi tiến hành tháo dỡ dầm ngang, do đó khi lựa chọn phương án khắc phục đã cân nhắc lựa chọn phương án đảm bảo khắc phục được toàn bộ các nhóm nguyên nhân.

Đến thời điểm này mặc dù trong báo cáo đánh giá độc lập đều không khẳng định lỗi do thiết kế nhưng vẫn cần thận trọng trong quá trình đánh giá, xác định cơ chế gây nứt để phân định rõ trách nhiệm thuộc về bên nào.

Trong giai đoạn này để kịp thời khắc phục thì thực hiện giải pháp khắc phục tổng thể toàn bộ các nhóm nguyên nhân như đã nói ở trên.

Đến thời điểm này qua kiểm tra và thí nghiệm độc lập cho thấy chỉ bị nứt cục bộ trên dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29. Dầm ngang này được tổ hợp ngoài hiện trường từ các khối ghép khác nhau. Cho nên trong cả quá trình chế tạo, tổ hợp tại công trường… cũng có thể có những bất lợi gây nứt sau khi hợp long cầu.

sua chua nut dam cau vam cong cuoi nam nay moi xong

Sơ đồ này có vị trí trụ P29 và P28 đều nứt dầm ngang trên đỉnh trụ

* Được biết thép làm dầm cầu Vàm Cống do nhà thầu nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng trong quá trình chế tạo kết cấu dầm do nhà thầu phụ của Việt Nam thực hiện. Có thể tay nghề của nhà thầu trong nước chưa đảm bảo dẫn đến lỗi trong quá trình chế tạo dầm?

- Về nguyên lý khi gia nhiệt để hàn dầm thép sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Do đó các quy định kỹ thuật về chế tạo dầm thép đã quy định rất chặt chẽ về quy trình hàn. Các sản phẩm thép đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc và được bản thân nhà thầu chính và tư vấn giám sát kiểm tra kỹ lưỡng từ quá trình nhập khẩu, chế tạo dầm.

Nhưng như tôi đã nói trong nhóm nguyên nhân có cả nguyên nhân khi thực hiện chế tác tổ hợp dầm ở ngoài hiện trường, ứng suất dư sinh ra khi hàn... Nhưng để kết luận chính thức thì phải rà soát kỹ tất cả các khâu để có căn cứ khoa học về cơ chế gây nứt nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa các bên.

Còn về nguyên tắc, theo quy định của hợp đồng bao giờ nhà thầu chính cũng phải chịu trách nhiệm cuối cùng dù hạng mục đó do thầu phụ trực tiếp thi công.

* Bộ GTVT từng hứa công bố nguyên nhân nứt dầm cầu Vàm Cống trong tháng 4-2018 nhưng tại sao lại chậm công bố?

- Chưa công bố được trong tháng 4-2018 vì Bộ GTVT muốn khi công bố phải công bố cả trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai. Nhưng để kết luận đơn vị nào chịu trách nhiệm thì còn phải làm thêm một số thí nghiệm như đã nói trên.

Theo đó phải tháo dỡ dầm xuống để phân tích, thí nghiệm cơ học phá hủy vật liệu… nên chưa công bố kết quả cuối cùng chứ không phải giấu giếm nguyên nhân hay lý do nào khác.

sua chua nut dam cau vam cong cuoi nam nay moi xong

Công trình xây dựng cầu Vàm Cống còn ngổn ngang - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Khi kết luận nguyên nhân chính thức, việc phân xử trách nhiệm những bên liên quan sẽ tiến hành thế nào?

- Công trình cầu Vàm Cống được đầu tư từ nguồn vốn vay của nước ngoài nhưng chúng ta là chủ đầu tư công trình này và trong quá trình thi công mọi việc đều phải tuân thủ theo điều kiện hợp đồng.

Chúng ta mua một sản phẩm hoàn thiện nên khi sản phẩm có khuyết tật nhà thầu phải có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục rồi bàn giao sản phẩm hoàn chỉnh.

Khi có kết luận lỗi thuộc về bên nào thì bên đó có trách nhiệm về tài chính chiếu theo điều kiện hợp đồng.

* Sáng 5-6, Bộ GTVT đã có cuộc họp về tiến độ cầu Vàm Cống. Vậy tiến độ được chốt thế nào thưa ông?

- Nhà thầu đề xuất sửa chữa dầm trong thời gian 6 - 7 tháng. Bộ GTVT cũng thống nhất với các bên, phấn đấu tiến độ hoàn thành khắc phục sự cố vào tháng 12-2018 và sẽ thực hiện công tác hoàn thiện, nghiệm thu bàn giao.

Nói phấn đấu vì việc thi công còn gặp một số khó khăn về kỹ thuật như thi công trên cao, công địa thi công hẹp, vật liệu đặt hàng sản xuất khối lượng nhỏ với yêu cầu kỹ thuật cao, không đủ mẻ sản xuất và không có sẵn trên thị trường. Vì vậy các bên đang xúc tiến làm việc với nhà sản xuất thép Posco Hàn Quốc để được cung cấp thép trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, yếu tố thời tiết hiện nay bắt đầu vào mùa mưa cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đến tháng 12-2018 sẽ hoàn thành công tác khắc phục.

Ngoài sự cố dầm thì hiện nay các hạng mục đường và cầu dẫn đã xong trên 98% khối lượng.

Xem thêm

Tuấn Phùng