|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự phù phiếm của ứng dụng TikTok

02:10 | 18/07/2020
Chia sẻ
Hàng nghìn thanh thiếu niên trên khắp thế giới "nổi tiếng" qua TikTok, song đa số họ không thể duy trì danh tiếng lâu dài.

Để thu hút người dùng, ứng dụng TikTok công khai các số liệu như lượt thích, người theo dõi và lượt xem. Với tốc độ phản hồi siêu nhanh của mạng xã hội, nhiều người đã trở nên nghiện, dùng chỉ số ảo để đánh giá mức độ thành công của kẻ khác trong xã hội thực.

Bộ phận giới trẻ có ảnh hưởng trên TikTok chịu nhiều gánh nặng tâm lý, do áp lực vô hình từ vô số người xem trực tiếp trên toàn thế giới. Chịu sự ám ảnh của nhu cầu phải nổi tiếng, chúng sẵn sàng làm mọi cách để thiên hạ chú ý.

Không riêng giới trẻ, sự nổi tiếng trên mạng xã hội cũng ăn sâu vào tiềm thức từng người đến nỗi khi đăng một bài viết, đa số người dùng đều muốn bài có lượt xe cao, dù quá trình đó diễn ra một cách vô thức.

Sự phù phiếm của ứng dụng TikTok - Ảnh 1.

Để thu hút người dùng, ứng dụng TikTok công khai các số liệu như lượt thích, người theo dõi và lượt xem. Ảnh: Cnet

Danh tiếng là một trong những yếu tố gây nghiện nhất. Khi người khác chú ý chúng ta, cơ thể sẽ có những phản ứng như nhận phần thưởng. Song khi không còn nhận những “phần thưởng”, chúng ta sẽ tìm cách khác để thỏa mãn. Thế nên, nghiện danh tiếng cũng dễ dàng thôi thúc chúng ta tiếp cận các loại nghiện khác, như rượu và ma túy.

Bản chất phù phiếm của danh tiếng lại càng tăng trên mạng xã hội, nơi mà chỉ vài phút chúng ta sẽ thấy một video mới xuất hiện. Hàng nghìn thanh thiếu niên trên khắp thế giới "nổi tiếng" qua TikTok, song đa số họ không thể duy trì danh tiếng lâu dài.

Ciarán Mc Mahon, tác giả cuốn Tâm lý học truyền thông xã hội, nhận định rằng  khác với các sao nhí trước đây, những ngôi sao TikTok sẽ gặp nhiều rắc rối hơn trong cuộc sống hiện đại, khi đắm chìm trong mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.

Sự ra đời các ứng dụng như TikTok đã kết nối nhiều người lại với nhau, song nó cũng làm thay đổi định nghĩa về sự nổi tiếng cũng như định hình lại quá trình trở thành người ảnh hưởng. Chưa bao giờ, trẻ em dễ dàng trở thành “sao” như ngày nay.

Theo Tiến sĩ tâm lý truyền thông Pamela Rutledge, giai đoạn trước 25 tuổi là thời gian để mọi người phát triển những kỹ năng như đánh giá rủi ro, lên kế hoạch. Nhưng nếu nổi tiếng khi chưa trưởng thành, con người sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển những kỹ năng đó, cũng như khó kiểm soát cuộc sống thực tế so với bạn cùng trang lứa.

Những đứa trẻ nổi tiếng này nhiều khả năng mắc bệnh tâm lý như các sao nhí nổi tiếng một thời của Hollywood trước đây: Lindsay Lohan, Drew Barrymore hay Michael Jackson.

"Từ khi nổi tiếng, cuộc sống của tôi trở nên rất kỳ lạ. Hôm trước tôi còn là một cô bé bình thường, hôm sau đã được nhiều người lôi kéo xin ký tặng, chụp ảnh cùng, thậm chí họ còn muốn chạm vào tôi. Thật đáng sợ", Drew Barrymore chia sẻ với People vào năm 1989.

Vô số các sao nhí khác ở Hollywood cũng có trải nghiệm tương tự trong suốt thế kỷ qua. Nhiều người mắc phải các chứng như nghiện rượu, ma túy, bệnh tâm lý và gặp rắc rối với gia đình.

Theo Tiến sĩ Rockwell, chuyên gia nghiên cứu tâm lý học lâm sàng, khi một cá nhân trở nên nổi tiếng, vì nhận được quá nhiều sự chú ý, họ quên đi sự đồng cảm cho người khác. Kể cả người trưởng thành cũng gặp khó khăn khi bị cuốn vào cuộc sống đầy hào quang.

Đối với một đứa trẻ, khó khăn này nhân lên 10 lần, khi tâm trí chúng vẫn còn chưa hoàn thiện. Chúng trở nên lạc lõng và đánh mất bản thân trong sự nổi tiếng, buộc chính mình phải cư xử và hành động như tính cách mà chúng tạo ra trên mạng xã hội.

Nhạc Phong