Sự phát triển BĐS Dubai là kinh nghiệm cho Việt Nam
Ông Phạm Bình Đàm, Đại sứ Việt Nam tại UAE (thứ hai từ phải sang) đang giới thiệu tập đoàn bất động sản Nam Cường với doanh nghiệp Dubai (Ảnh: Vân Ly) |
Dubai là thành phố thuộc Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) – một trong những thị trường bất động sản phát triển nhất thế giới chỉ sau vài chục năm. Ông Phạm Bình Đàm, Đại sứ Việt Nam tại UAE cho rằng sự phát triển bất động sản Dubai là kinh nghiệm cho Việt Nam và thế giới.
Đại sứ quán Việt Nam tại UAE lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Đầu tư bất động sản Việt Nam – Dubai vào cuối tháng 10 vừa qua tại Dubai để tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tham quan, giao lưu và kết nối đầu tư. TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Đàm về nội dung này.
Theo ông, sự phát triển của thị trường bất động sản Dubai đem lại những kinh nghiệm gì cho Việt Nam?
Vài chục năm trước, Dubai toàn là sa mạc, bờ biển của họ cũng rất hoang sơ. Sự phát triển trong lĩnh vực bất động sản của Dubai là bài học không chỉ cho Việt Nam mà còn đem đến kinh nghiệm cho cả trên thế giới.
Trước đây, tất cả các công ty tư vấn đến từ Mỹ, châu Âu đều nói ý tưởng về những công trình ở Dubai là không khả thi, không thu hồi được vốn. Thế nhưng họ vẫn quyết tâm làm và đã thành công vượt bậc. Nay Dubai đã nổi tiếng có sự phát triển thần kỳ trong lĩnh vực bất động sản với những điều không tưởng như hình thành đảo nhân tạo hình cây cọ, xây tháp cao nhất thế giới 164 tầng, xây khách sạn 7 sao và đền thờ dát vàng... Việt Nam hoàn hoàn có thể học được các kinh nghiệm hoặc nguồn cảm hứng sáng tạo bất động sản từ Dubai.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang trong quá trình vừa phát triển nhưng cũng vừa tìm tòi nên cần có hướng đi phù hợp cũng như những đột phá. Đặc biệt, tiềm năng phát triển bất động sản du lịch còn rất lớn. Ngành du lịch của Việt Nam thời gian gần đây phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chúng ta chưa thể hài lòng với những gì đã có. Lượt khách du lịch quốc tế quay trở lại rất ít và chúng ta cũng không giữ được họ ở lại lâu.
Là một thành phố có rất ít cảnh đẹp tự nhiên nhưng nhiều năm qua, Dubai đã chú trọng phát triển du lịch và trở thành điểm đến nổi tiếng toàn thế giới. Họ có công nghệ phát triển bất động sản du lịch cũng như khiến du khách ở lại lâu hơn, tiêu nhiều tiền hơn. Chúng ta cần học hỏi và có thể nhập khẩu công nghệ này từ Dubai.
Dubai nổi tiếng trong việc biến những ý tưởng điên rồ thành hiện thực. Liệu những ý tưởng này có phù hợp với một nước còn nghèo như Việt Nam?
Khi chúng ta có những ý tưởng tốt thì sẽ có tiền. Song những ý tưởng tốt cần đặt trong khuôn khổ luật pháp ổn định. Chúng ta nói Việt Nam có sự ổn định về chính trị nhưng ổn định về cơ chế chính sách cũng vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp Ả rập, khi muốn đầu tư vào đâu, họ đều có các nhà tư vấn chuyên nghiệp làm công việc nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường. Vốn đầu tư từ Ả rập vào Việt Nam chưa cao có nhiều lý do, trong đó có sự khuyến cáo từ các nhà tư vấn đối với sự bất ổn về cơ chế chính sách của Việt Nam. Theo tôi, nếu chúng ta có những đặc khu kinh tế, có cơ chế chính sách ổn định, loại bỏ được những rủi ro trong đầu tư thì còn thu hút hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và nguồn vốn từ Dubai nói riêng.
Cần phải nói thêm, trong thu hút đầu tư cũng như phát triển đất nước, tầm nhìn và quy hoạch phải là mấu chốt, sau đó phải có những nhà quản lý vận hành chuyên nghiệp. Chúng ta muốn phát triển được, cần có những thương hiệu lớn tham gia vận hành, quảng bá bán sản phẩm.
Theo ông liệu Việt Nam có thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản Dubai không?
Các doanh nghiệp Dubai đã nhìn thấy tiềm năng đầu tư ở Việt Nam nhưng họ chưa biết nhiều, biết sâu về nước ta. Thực tế đã có doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào Việt Nam như Limitless, công ty con của tập đoàn Nakheel – chủ đầu tư các đảo nhân tạo tại Dubai. Họ đã đầu tư dự án Halong Star với tổng vốn đầu tư 550 triệu đô la Mỹ. Đây là dự án đầu tư trực tiếp từ Dubai có quy mô lớn nhất tính tới hiện tại. Ngoài ra còn những dự án họ âm thầm đầu tư mà chúng ta không biết.
Trong khu vực UEA, Dubai nổi tiếng về du lịch và những công trình xây dựng; còn Abu Dhabi (thủ đô của UEA) thì có quỹ 780 tỉ đô la Mỹ. Tiền của họ cũng len lỏi vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư châu Âu và Mỹ. Hy vọng trong một vài năm tới, chúng ta sẽ có nhiều dự án quy mô lớn có nguồn đầu tư trực tiếp từ UEA. Đại sứ quán Việt Nam ở UAE đã và đang cố gắng nâng cao nhận biết của các doanh nghiệp UAE về văn hóa, thị trường, tiềm năng đầu tư ở Việt Nam và đã nỗ lực kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên. Dự kiến đầu năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức đưa một đoàn doanh nghiệp bất động sản của UAE sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.
Vậy đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đầu tư sang khu vực này chưa, thưa ông?
Là một điểm đến nổi tiếng, Dubai phát triển mạnh về du lịch. Tỷ lệ lấp đầy, doanh thu phòng khách sạn ở Dubai khá cao. Số lao động từ các nước đến đây ngày một tăng, nhu cầu bất động sản là rất lớn vì thế vẫn có nhiều nguồn vốn ở các nơi đổ vào Dubai. Tuy nhiên, chủ yếu là từ Nga, Trung Quốc... Số doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam đầu tư làm ăn, mua nhà tại đây chưa nhiều. Tôi rất mong muốn thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam ở UAE, theo quy định thì cần phải có 20 công ty làm ăn tại đây song chưa có đủ.
Theo ông đâu là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác làm ăn tại Dubai?
Dubai là thành phố nhiều cơ hội với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản Việt Nam. Đây vốn là thành phố sa mạc, họ không trồng trọt được bởi không có tài nguyên đất nông nghiệp cũng như truyền thống canh tác. Ở đây, toàn bộ nông sản được nhập từ các nơi khác. Hàng nông sản Việt Nam có thể đáp ứng được thị hiếu của người Dubai. Học viện doanh nhân LP cũng đã tổ chức một số chương trình hằng năm để kết nối doanh nghiệp nông sản Việt Nam với thị trường Dubai và UAE.
Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh sản phẩm tiêu dùng cũng có cơ hội tại đây bởi UAE không đòi hỏi tiêu chuẩn ngặt nghèo như Mỹ. Khu vực UAE là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp hai mảng này.
Ông có thể cho biết muốn làm ăn với người Ả rập, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng điều gì?
Đối với khu vực Ả rập, họ có văn hóa kinh doanh rất riêng, nếu chúng ta vẫn áp dụng cách thức, tiêu chí kinh doanh thông thường giống như với những đối tác khác, rất dễ đi từ kỳ vọng đến thất vọng. Do đó phải kiên trì.
Xin cảm ơn ông.