Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/9 - 11/9: Tâm điểm là báo cáo lạm phát của Mỹ
Ngoài số liệu lạm phát của Mỹ, thị trường ngoại hối dự kiến còn chú ý đến cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/9, trong bối cảnh lạm phát của nền kinh tế đồng tiền chung đi xuống và đồng euro mạnh lên.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ nối lại các cuộc đàm phán Brexit vào ngày 8/9 với hi vọng đạt được một thỏa thuận thương mại trước khi hạn chót vào cuối năm 2020 kết thúc.
Trong khi đó, dữ liệu thương mại tháng 8 của Trung Quốc sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về tốc độ phục hồi sau đại dịch COVID-19 ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
1. Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Lạm phát của Mỹ dường như không có nhiều khả năng chạm ngưỡng 2% trong tương lai gần. Các nhà phân tích dự đoán, trong báo cáo lạm phát tháng 8 (công bố ngày 11/9), chỉ số CPI cốt lõi sẽ tăng 0,2% so với tháng 7 và tăng 1,6% so với cùng kì năm ngoái.
Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ sẽ cho phép lạm phát dao động "vừa phải" trên mức mục tiêu 2%. Theo đó, Fed có thể giữ lãi suất ở mức thấp bao lâu tùy ý.
Động thái mới của Fed là tin tốt cho thị trường chứng khoán, bất động sản và các lĩnh vực hưởng lợi từ lãi suất thấp.
Trong tuần này, nhà đầu tư ngoại hối cũng sẽ theo dõi số lượng hồ sơ xin nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tuần để nắm bắt tình trạng hiện tại của thị trường lao động Mỹ, sau khi báo cáo việc làm tháng 8 cho thấy đà phục hồi của thị trường đã chững lại khi trợ cấp của chính phủ cạn kiệt.
2. Cuộc họp chính sách của ECB
Các quan chức ECB sẽ có nhiều vấn đề để thảo luận tại cuộc họp chính sách ngày 10/9 tới sau khi đồng euro chạm ngưỡng 1,2 USD đổi một EUR lần đầu tiên kể từ năm 2018 và lạm phát khu vực đồng tiền chung giảm sâu trong tháng 8.
Lạm phát sụt giảm là lời cảnh báo cho ECB khi mà ngân hàng trung ương này đặt mục tiêu lạm phát gần ngưỡng 2% nhưng chưa thể đạt được.
Tuy nhiên, Investing.com nhận định còn quá sớm để ECB công bố bất kì động thái chính sách lớn nào vào ngày 10/9.
Gần đây, đồng euro được củng cố nhờ đồng USD yếu đi và tâm lí nhà đầu tư được cải thiện sau khi EU nhất trí về quĩ cứu trợ kinh tế chung trị giá 750 tỉ euro. Do đó, bất kì tác động nào đến lạm phát đều có thể chỉ là tạm thời.
Tuy nhiên về dài hạn, ECB có thể buộc phải đánh giá lại chính sách tiền tệ của họ khi Fed chấp nhận cho lạm phát dao động trên mức mục tiêu 2%, nhiều khả năng khiến đồng USD chịu áp lực trong nhiều năm tới.
3. Đàm phán Brexit và số liệu GDP của Anh
Các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU sẽ được nối lại tại London vào ngày 8/9, tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán khó có đột phá xảy ra.
Trước đó, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ, liên quan đến yêu cầu của Anh về hạn ngạch đánh bắt cá cũng như mong muốn sử dụng viện trợ nhà nước để phát triển lĩnh vực công nghệ của phía Anh.
Anh đã rời EU vào ngày 31/1 tuy nhiên đến nay các cuộc đàm phán chưa đạt nhiều bước tiến, dù thỏa thuận chuyển đổi sẽ kết thúc vào ngày 31/12 năm nay.
Anh còn chưa đầy một tháng nữa trước hạn chót 2/10 để chốt thỏa thuận với EU và thỏa thuận này (nếu có) phải được phê chuẩn tại một hội nghị thượng đỉnh của EU.
Ngoài ra, vào ngày 11/9, Anh sẽ công bố số liệu GDP. Giới phân tích dự đoán nền kinh tế Anh sẽ phục hồi trở lại trong tháng 7 vì nhiều biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng vào tháng này.
4. Dữ liệu thương mại của Trung Quốc
Số liệu thương mại tháng 8 của Trung Quốc - công bố ngày 7/9, dự kiến sẽ cho thấy hoạt động xuất khẩu tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp và nhập khẩu cũng phục hồi trở lại.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo đà suy thoái trên thế giới như một số nhà phân tích từng lo ngại. Hiện tại, lĩnh vực xuất khẩu đang được coi là động lực chính trong quá trình phục hồi kinh tế của nước này.
Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn thành cam kết mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ như hứa hẹn trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí vào tháng 1 năm nay.