|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/9 - 10/9: Kinh tế Mỹ - Trung chông chênh trước biến chủng Delta

06:30 | 06/09/2021
Chia sẻ
Tuần này, các sự kiện có thể ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối chủ yếu xoay quanh dữ liệu kinh tế của hai nước Mỹ - Trung và bài phát biểu của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trong tuần này, các nhà đầu tư ngoại hối có thể theo dõi một số dữ liệu kinh tế mới của Mỹ như chỉ số giá sản xuất (PPI) và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, đặc biệt là sau bản báo cáo việc làm đáng thất vọng của tháng 8.

Cũng liên quan đến báo cáo việc làm tháng trước, nhà đầu tư còn có thể quan tâm thêm bình luận của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ đang muốn thu hẹp quy mô kích thích vào cuối năm nay.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào cuối tuần. Các nhà hoạch định chính sách được dự đoán là sẽ tranh luận về việc giảm quy mô kích thích tiền tệ trong các tháng cuối năm.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ công bố một số dữ liệu về thương mại và lạm phát, các báo cáo mới có thể chứng tỏ đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý khả năng cao sẽ tác động đến thị trường ngoại hối tuần này như sau:

1. Dữ liệu kinh tế của Mỹ

Chỉ số PPI tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 10/9 tới. Giới chuyên gia dự đoán áp lực lạm phát đang hình thành sau khi số liệu tháng 7 tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua, trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế gây ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu.

Mặc dù Fed đã khẳng định giá cả chỉ leo thang tạm thời, một số nhà phân tích lo ngại rằng áp lực giá dai dẳng có thể buộc Fed phải thu hồi các biện pháp kích thích sớm hơn dự kiến.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp vào ngày 9/9 sau báo cáo việc làm kém khả quan vào tuần trước. Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 8, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ bổ sung thêm 235.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với ước tính 750.000 của các nhà kinh tế.

Hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực giải trí và khách sạn đã đình trệ nghiêm trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 5,4% xuống còn 5,2% trong tháng 8 và tốc độ tăng trưởng việc làm trong tháng 7 đã được điều chỉnh tăng, cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế Mỹ.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/9 - 10/9: Kinh tế Mỹ - Trung chông chênh trước biến chủng Delta - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: AP).

2. Quan chức Fed phát biểu

Tuần này, các nhà giao dịch cũng sẽ quan tâm đến "nhất cử nhất động" của các quan chức Fed, nhất là báo cáo việc làm tháng 8.

Thị trường lao động vẫn là một mục tiêu quan trọng của Fed. Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell còn khẳng định đạt được toàn dụng việc làm là điều kiện tiên quyết để ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu ngừng thu mua tài sản.

Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York và là một đồng nghiệp gần gũi với Chủ tịch Powell, sẽ chia sẻ quan điểm về triển vọng kinh tế Mỹ tại một sự kiện vào ngày 8/9 tới. Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Robert Kaplan cũng sẽ phát biểu vào cùng ngày.

Đến ngày 9/9, ông Kaplan sẽ có thêm một bài phát biểu khác. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren và Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng sẽ xuất hiện vào ngày 9/9.

3. ECB nhóm họp

ECB sẽ tổ chức họp vào ngày 9/9 trong bối cảnh một số quan chức kêu gọi ngân hàng trung ương châu Âu nên bắt đầu giảm quy mô chương trình thu mua tài sản vì lạm phát đang tăng đột biến.

Theo Investing.com, lạm phát ở khu vực đồng euro đã chạm đỉnh 10 năm là 3%. ECB cho biết lạm phát chỉ tăng nhất thời, nhưng một số nhà hoạch định chính sách gần đây không đồng ý với quan điểm này.

4. Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu thương mại tháng 8 vào ngày 6/9, sau đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 8/9.

Trước các dữ liệu mới, Bắc Kinh đã công khai một loạt số liệu kém khả quan, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế tỷ dân đang chững lại vì các lệnh hạn chế để kiểm soát biến chủng Delta.

Một khảo sát tư nhân mới đây chỉ ra hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã tụt mạnh trong tháng 8 và một cuộc khảo sát tương tự đối với lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy hoạt động tại các nhà máy đã sụt giảm lần đầu tiên trong gần một năm rưỡi qua vào tháng trước.

Một số chuyên gia dự đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ để củng cố sự phục hồi của nền kinh tế.

Khả Nhân