Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 26/7 - 30/7: Fed nhóm họp giữa lúc biến chủng Delta lây lan mạnh
Giới phân tích nhận định Fed sẽ không thực hiện thay đổi chính sách nào tại cuộc họp vào giữa tuần này. Song, các nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận cụ thể hơn về việc giảm quy mô kích thích tiền tệ sau cuộc họp hồi tháng 6.
Trong tuần này, nhà đầu tư còn có thể theo dõi thêm số liệu GDP quý II của nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng dự kiến công bố một loạt dữ liệu mới như lạm phát, GDP và việc làm.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý có thể ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Cuộc họp của Fed
Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 28/7. Giới đầu tư sẽ xem xét kỹ lượng tuyên bố chính sách của Fed để tìm kiếm khung thời gian mà các quan chức dự kiến sẽ cắt giảm quy mô chương trình thu mua tài sản, dù Chủ tịch Jerome Powell đã khẳng định trước Quốc hội rằng nền kinh tế Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ toàn diện của Fed.
Tại cuộc họp tháng 6, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bắt đầu thảo luận về thời điểm giảm tốc độ thu mua tài sản, hiện đạt khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng.
Ông Powell có thể hàm ý rằng, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này, vẫn còn kha khá thời gian trước khi Fed quyết định những gì họ sắp làm.
Ở cuộc họp sắp tới, các quan chức Fed có thể sẽ nêu bật lên rủi ro của biến chủng Delta đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Hầu hết nhà phân tích đều kỳ vọng Fed sẽ đưa ra dấu hiệu rõ ràng hơn về kế hoạch thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng tại hội nghị thường niên ở Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng 8 tới. Sau đó, Fed mới thông báo chính thức vào cuối năm.
2. Mỹ công bố loạt dữ liệu
Ngoài cuộc họp của Fed, các nhà đầu tư sẽ nhận được các thông tin cập nhật về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ với một loạt dữ liệu công bố trong tuần này.
Chính phủ Mỹ sẽ công khai số liệu về doanh số bán nhà mới ngay ngày 26/7, tiếp theo là số lượng đơn đặt hàng bền và niềm tin người tiêu dùng vào ngày 27/7.
Điểm nhấn là vào ngày 28/7 với báo cáo GDP quý II. Mặc dù các nhà phân tích đã hạ dự báo trong những tuần gần đây, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý vừa qua được kỳ vọng là duy trì ở mức tương đối cao, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể theo dõi thêm số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 29/7 và thu nhập cùng chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ vào ngày 30/7.
3. Biến chủng Delta đè nặng triển vọng kinh tế
Tính đến ngày 22/7, biến chủng Delta, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến chủng trước, đã xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến chủng này được tìm thấy trong hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm trong vài tuần gần đây ở nhiều nước như Australia, Bangladesh, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ,...
Ở Mỹ, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng còn cho hay rằng biến chủng Delta là nguyên nhân gây ra hơn 80% ca nhiễm mới ở nước này. WHO cảnh báo, Delta có thể nhanh chóng đánh bật các biến chủng khác và trở thành chủng lây lan mạnh nhất trong những tháng tới.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn chỉ vừa khởi sắc trong các tháng gần đây, lại tiếp tục bị che mờ bởi biến chủng Delta. Song, các chuyên gia cho rằng phải mất thêm một vài tháng nữa thì ảnh hưởng của biến chủng này mới xuất hiện trong dữ liệu kinh tế.
5. Khu vực đồng euro phục hồi
Tại khu vực Eurozone, dữ liệu GDP quý II - dự kiến công bố vào ngày 30/7, sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một số thông tin chi tiết về mức độ phục hồi của nền kinh tế chung từ cuộc suy thoái kép, trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng đang dần tăng tốc.
Số liệu lạm phát cũng sẽ được công bố trong cùng ngày. Các chuyên gia phân tích dự đoán rằng trong tháng 7, lạm phát sẽ chạm ngưỡng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trước đó, ECB từng cho biết lạm phát có thể tạm thời vượt mức mục tiêu nếu nền kinh tế Eurozone cần được hỗ trợ thêm.