|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 16/8 - 20/8: Fed công bố biên bản họp, New Zealand khả năng nâng lãi suất

07:02 | 16/08/2021
Chia sẻ
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối có thể theo dõi biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cùng với dữ liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương New Zealand có thể đi đầu làn sóng tăng lãi suất trong đại dịch COVID-19.

Theo Investing.com, các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối sẽ quan tâm đến biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và doanh số bán lẻ mới nhất của nền kinh tế Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ công bố một số dữ liệu mới, qua đó có thể cung cấp bức tranh tổng quát về sức khỏe của nền kinh tế giữa lúc biến chủng Delta lây lan tại nhiều tỉnh, thành.

Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) sẽ nhóm họp chính sách vào giữa tuần. RBNZ được dự đoán là một trong các ngân hàng trung ương đầu tiên thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển nâng lãi suất trong thời kỳ COVID-19.

Dưới đây là một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Biên bản cuộc họp của Fed

Vào ngày 18/8, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Giới đầu tư sẽ bám sát văn bản để tìm hiểu quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ thu hẹp quy mô chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng, cũng như về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tháng trước, các quan chức Fed khẳng định đà phục hồi của nước Mỹ vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp sự gia tăng của biến chủng Delta. Sau đó, báo cáo việc làm tháng 7 cũng mạnh hơn dự báo của các chuyên gia, càng khiến một số nhà hoạch định chính sách tiến tới đề xuất cắt giảm giá trị gói thu mua tài sản sớm hơn dự kiến.

Ông Jim O'Sullivan, chiến lược gia vĩ mô tại ngân hàng đầu tư TD Securities, cho biết: "Tôi biết một số quan chức Fed đang muốn siết chặt chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp tháng 9 tới, nhưng kịch bản này khó xảy ra".

"Tháng 11 là thời điểm thích hợp hơn nếu hai báo cáo việc làm tiếp theo đủ mạnh. Song, đa phần chuyên gia tin tưởng tháng 12 mới là thời điểm Fed đưa ra thông báo chính thức", ông O'Sullivan nhấn mạnh.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 16/8 - 20/8: Fed công bố biên bản họp, New Zealand khả năng nâng lãi suất - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

2. Doanh số bán lẻ của Mỹ

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng sự lây lan rộng của biến chủng Delta vẫn là một lực cản lớn. Các dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, qua đó phát họa bức tranh kinh tế cụ thể hơn.

Số liệu về doanh số bán lẻ sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là sau khi báo cáo hồi cuối tuần trước cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Theo Investing.com, chi tiêu của người tiêu dùng hiện chiếm khoảng 70% sản lượng kinh tế của Mỹ.

Bản báo cáo trên sẽ được công bố vào ngày 17/8 tới. Các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ tháng 7 sẽ giảm 0,2% so với tháng trước, trong bối cảnh doanh số bán ô tô được kỳ vọng sẽ giảm mạnh.

Ngoài ra, trong tuần này Mỹ còn công bố thêm một số bộ dữ liệu khác như sản lượng công nghiệp (ngày 17/8) và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp (ngày 19/8).

3. Sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với đợt bùng phát mới do biến chủng Delta gây ra. Chính quyền các địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt cũng như ban hành lệnh hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Tuần trước, khá nhiều ngân hàng đầu tư tại Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs, đã hạ dự báo tăng trưởng nửa cuối năm của Trung Quốc.

Vì vậy, các nhà đầu tư hẳn sẽ chú ý đến doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 7. Bộ ba dữ liệu này sẽ được công bố vào ngày 16/8.

Số liệu được dự đoán là sẽ chững lại đáng kể, khiến công chúng lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện tại, đà phục hồi của Trung Quốc không thực sự đồng đều, khi mà hoạt động xuất khẩu trở thành trụ cột tăng trưởng, còn nhu cầu trong nước khởi sắc chậm hơn.

4. New Zealand tăng lãi suất?

RBNZ, ngân hàng trung ương New Zealand, sẽ nhóm họp vào ngày 18/8. Đất nước châu Đại Dương này có thể là nền kinh tế lớn đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Số liệu việc làm mạnh mẽ khiến các chuyên gia tin rằng RBNZ chắc chắn sẽ nâng lãi suất và đây sẽ là lần đầu tiên New Zealand siết chặt chính sách tiền tệ kể từ giữa năm 2014. Điều này hoàn toàn trái ngược với năm 2020, khi lãi suất của RBNZ giảm 75 điểm cơ bản xuống còn 0,25% và có khả năng rơi xuống mức âm.

Khả Nhân