Sự kiện NĐT cần lưu ý khi xuống tiền mua cổ phiếu trong tháng 2
Dịch bệnh và tác động đến TTCK trong quá khứ
Các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại. Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK trong ngắn hạn. Mức độ thiệt hại tập trung vào 3 tháng đầu và hồi phục đáng kể sau đó.
Theo thống kê 13 đợt dịch bệnh kể từ 1980 đến nay, chỉ số MSCI World Index phục hồi mạnh trung bình 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng. Do vậy, dịch bệnh là rủi ro với TTCK ngắn hạn nhưng cũng là cơ hội trong trung dài hạn.
Đánh giá tác động của virus Corona đến các ngành trên TTCK, Chứng khoán BSC nhận định các ngành bị ảnh hưởng mạnh gồm hàng không, dầu khí và một số ngành xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc trong khi y tế, hàng hóa thiết yếu, năng lượng và viễn thông có thể được hưởng lợi.
Kinh tế vĩ mô ổn định, một vài chỉ tiêu vĩ mô sụt giảm do trùng vào Nghỉ Lễ Tết tuy nhiên cũng có một số điểm tích cực
Các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, đầu tư từ nguồn ngân sách, xuất khẩu giảm sút trong khi CPI tăng mạnh do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Lễ và yếu tố lạm phát có tính chu kì. Trong khi những điểm sáng tiếp tục ghi nhận như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 tăng 3,6% so với tháng 12 và tăng 10,2% so với cùng kì 2019.
Bên cạnh đó, vốn đăng kí doanh nghiệp tăng 77% so cùng kì 2019. Tổng vốn đầu tư FDI tăng 179,5% so cùng kì 2019. Khách quốc tế tăng 32,8% so cùng kì 2019.
Dịch bệnh virus corona đã xuất hiện ở Việt Nam cũng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô trong tháng 2, nhất là trong lĩnh vực khách du lịch. Chính phủ đã triển khai sớm các giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong thời gian bệnh dịch đang phát triển mạnh, Chính phủ cần thời gian theo dõi, kiểm soát để đánh giá đầy đủ tác động của dịch bệnh. Dù vậy, các động lực tăng trưởng những năm gần đây vẫn được duy trì, hỗ trợ cho đà tăng trưởng và tạo thế chủ động ứng phó với các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.
Thị trường sụt giảm trên diện rộng, mặt bằng cổ phiếu giảm về mức thấp sẽ thu hút NĐT sớm trở lại
Với hai phiên giảm mạnh vào cuối tháng 1, P/E và P/B của VN-Index đã giảm lần lượt về 14,9 lần và 2,18 lần tương đương với mức định giá thời điểm 14/1/2019 khi chỉ số đang ở mức 880 điểm.
Mức chênh lệch 56 điểm chủ yếu là do KQKD các doanh nghiệp niêm yết cải thiện hơn 6% sau khi pha loãng cổ phiếu. Mức P/E và P/B của HNX-Index lần lượt ở mức 7,29 và 0,9 lần thấp hơn đáng kể so với mức 8,4 và 0,96 lần tại thời điểm 14/1/2019.
Mức P/E và P/B của 2 chỉ số giảm nhanh do cả 2 yếu tố là giá giảm mạnh và lợi nhuận thị trường tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết đang đẩy mạnh công bố kết quả kinh doanh quí IV và cả năm 2019 giúp các chỉ số định giá còn tiếp tục cải thiện. Chỉ số P/E và P/B của VN-Index đang ở vùng thấp trong gần 4 năm qua.
Các tổ chức tài chính cũng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường ở mức 10 - 15% năm 2020. Do vậy, đây có thể là thời điểm cân nhắc phân bổ mua dần vào cổ phiếu cơ bản đang bị bán quá cho mục tiêu đầu tư trong vài tháng tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/