Bán tháo trên thị trường cơ sở, giao dịch phái sinh lên ngôi, NĐT cần lưu ý những điểm gì khi tham gia?
Như thường lệ, mỗi khi thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh, giao dịch chứng khoán phái sinh lại trở nên nhộn nhịp hơn.
Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trong 4 phiên giao dịch (30/1 – 4/2) đạt tổng cộng 625.719 hợp đồng, tương đương giá trị giao dịch danh nghĩa đạt 53.232 tỉ đồng. Con số này tương đương gần 49% khối lượng giao dịch của tháng 11/2019 (thấp nhất năm 2019).
Phiên 4/2, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chứng khoán phái sinh đạt 195.328 hợp đồng, tương đương giá trị 16.425 tỉ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất của thị trường này kể từ ngày 12/3/2019.
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về chiến lược giao dịch trên thị trường phái sinh và chiến lược cơ cấu danh mục trong giai đoạn này, người viết có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam).
PV: Thị trường phái sinh trở nên sôi động hơn trong bối cảnh thị trường cơ sở có biến động mạnh, ông có đánh giá như thế nào về sản phẩm được cho là phòng ngừa rủi ro này tại thời điểm hiện tại?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Về cơ bản thị trường phái sinh dựa trên hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ra đời cho hai mục tiêu là giao dịch phòng vệ (hedge) là chính và đầu cơ (speculate) là phụ. Tuy nhiên với bản chất thị trường cận biên như Việt Nam cũng như tâm lý đầu cơ chủ đạo thì thị trường phái sinh hiện tại vẫn nghiên hẳng về xu hướng đầu cơ.
Bằng chứng rõ ràng là khối lượng giao dịch tăng lên rất mạnh trong những ngày gần đây (gần 200.000 hợp đồng bằng với lượng giao dịch lịch sử năm ngoái), và khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng tăng vọt lên chứng tỏ có nhiều "tay chơi" tham gia thị trường hơn.
Ở giai đoạn hiện tại có thể định hình là một giai đoạn dao động cao và bất khả trắc (high volatility and unknown) nên việc xác định một chiến lược hay chiến thuật đầu tư giai đoạn này cho hiệu quả là khá khó.
Vì ngay khi mở cửa sau kì nghỉ lễ thị trường đã giảm rất mạnh rồi nên những vị thế mở để Short (bán xuống) cũng không dễ thực hiện, mà vị thế Long (mua lên) thì càng khó nên các vị thế swing trading (giao dịch đảo vị thế liên tục) là được ưu chuộng nhất. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy khối lượng giao dịch của thị trường này lên cao.
PV: Ông có những lưu ý gì đối với nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh lúc này?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Ở giai đoạn dao động cao – biên độ lớn (high volatility) này thì rất dễ dẫn đến thua lỗ, chưa nói đến lãi nhiều cho nhà đầu cơ. Vì cơ bản các nhà đầu cơ dễ bị cuốn theo xu hướng thị trường và đảo chiều liên tục khiến cho phán đoán cũng như việc tuân thủ chiến lược không còn hiệu quả và làm gia tăng chi phí vốn lên rất nhiều (các loại thuế phí).
Vì vậy, ở giai đoạn này dựa trên kinh nghiệm và dựa theo dữ liệu lịch sử (quí I/2018) thì chỉ nên chọn chiến lược "đánh nhanh, rút nhanh" và hạn chế tần suât giao dịch cũng như canh ở những điểm hỗ trợ và kháng cự mạnh của thị trường để đưa ra các quyết định Long (Mua) hay Short (Bán) hợp lí nhất.
Thêm lưu ý là tình hình vĩ mô sẽ có tác động mạnh tới VN30 là nhóm trụ của thị trường. Từ đó nên lượng hoá thêm các thiệt hại mà đại dịch cúm virus Corona có thể mang lại trong tương lai để chiết khấu, phản ảnh vào hiện tại.
PV: Đối với sản phẩm chứng quyền, với đặc thù chỉ giao dịch một chiều (chiều mua), ông có những khuyến nghị gì với nhà đầu tư nắm giữ sản phẩm này?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Sản phẩm này sau một thời gian ra mắt đã không còn thu hút được nhiều nhà đầu tư nữa vì tính bị động của nó (một chiều lên), và trong bối cảnh những yếu tố tiêu cực đang tác động lên kết quả kinh doanh thì rất khó để có những vị thế đầu tư tốt ở sản phẩm này. Tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài với sản phẩm này.
PV: Liệu sản phẩm chứng quyền có thích hợp đối với những nhà đầu tư muốn bắt đáy cổ phiếu bluechip đang giảm giá mạnh vì giới hạn mức lỗ?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Như ý ở trên thì việc bắt đáy CW hiện tại cũng ko nên vì khá mạo hiểm do thời gian đáo hạn của CW khá ngắn mà mức độ phục hồi của Doanh nghiệp thì thường cần nhiều thời gian hơn thời gian đáo hạn của các CWs này!
PV: Về tổng quan, ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư (chiến lược phòng thủ, mẹo cơ cấu danh mục) khi thị trường vừa trải qua nhiều phiên bán tháo?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Sau 5 phiên thẩm thấu hiệu ứng từ đại dịch Coronavirus có thể thấy thị trường đang phân hoá theo giai đoạn khá rõ.
Đầu tiên là các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp đang tiếp tục diễn biến xấu và sẽ phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh quí I sắp tới đây như hàng không, nông lâm thuỷ sản, du lịch, thương mại, đồ ăn uống … Với những ngành này thì vị thế phòng thủ là rất rõ ràng.
Các ngành ít ảnh hưởng hoặc hưởng lợi với đại dịch này thật ra cũng chỉ là hiệu ứng ngắn hạn, tức chưa thẩm thấu tới vì tình hình chung đều gây suy giảm tổng cầu. Vì vậy, trạng thái bình ổn của thị trường cũng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và khi càng gần về cuối quí thì mức độ ảnh hưởng sẽ rõ rệt hơn.
Nhà đầu tư lưu ý trong giai đoạn mùa ĐHCĐ sắp tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo chiều hướng tiêu cực hơn là khả thi và cũng sẽ thẩm thấu vào thị trường.
Nên ở góc độ cá nhân tôi nghĩ vị thế phòng thủ là điều nhà đầu tư nên làm và chờ đợi số liệu rõ ràng hơn sẽ có những phương án đầu tư cụ thể sau đó.
Cảm ơn ông tham gia trao đổi!