Sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua (10/10 - 16/10/2016)
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất
Bắt đầu từ 15/10, toàn bộ hệ thống của Vietcombank sẽ cắt giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ được áp dụng mức lãi suất 6%/năm, thay vì 8%/năm như cũ.
Nối gót tiên phong giảm mạnh lãi suất cho vay của Vietcombank, từ sáng 15/10, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng thông báo điều chỉnh hạ lãi suất cho vay từ 1% - 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước đó, ngày 10/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank) cũng đã công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng. Trong đó, với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, HDBank đã giảm lãi suất lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm. Với đối tượng doanh nghiệp, HDBank đã mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỉ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm.
Hòa Phát tái khởi động dự án thép gần 3 tỷ USD
UBND tỉnh Quãng Ngãi thống nhất cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản dự đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất. Tỉnh đã gửi công văn tới 7 Bộ để xin ý kiến để Hòa Phát trở thành chủ đầu tư của dự án thép này.
Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm và phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Sản phẩm là thép xây dựng và thép cuộn chất lượng cao. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 60.000 tỉ đồng (gần 3 tỉ USD), trong đó vốn đàu tư giai đoạn 1 khoảng 30.000 tỉ đồng.
Đây là việc tiếp nối dự án thép tỉ USD - dự án Guanglian đã đình trệ gần 10 năm nay. Tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư Đài Loan này đã rút khỏi dự án.
Samsung tạm dừng sản xuất Galaxy Note 7
Chiều 11/10, Samsung Việt Nam chính thức xác nhận thông tin Galaxy Note 7 đã bị khai tử và người dùng từng mua máy sẽ được hoàn tiền.
Tập đoàn Samsung đã quyết định đình chỉ sản xuất điện thoại Galaxy Note 7 sau hàng loạt sự cố phát nổ. Việc đình chỉ bao gồm cả việc ngừng sản xuất tại một nhà máy Samsung ở Việt Nam, nơi chịu trách nhiệm sản xuất lô hàng Note 7 toàn cầu.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 6,8% (tương đương 1,1 tỷ USD). Và một trong những nguyên nhân được nhắc tới liên quan tới tình hình xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note7 của Samsung.
Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa ra thông báo dựa trên đề nghị của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đề nghị thu hồi toàn bộ 12.633 chiếc điện thoại đang lưu thông trên thị trường Việt Nam từ ngày 18/10 - 18/11/2016.
Bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra nguyên liệu ngành dệt may
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Thông tư bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Theo đó, từ ngày 26/11/2016, thông tư 37 sẽ chính thức hết hiệu lực.
Trước đó, các doanh nghiệp dệt may phản ánh Thông tư số 37 của Bộ Công Thương có nhiều nội dung quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, mà người chịu thiệt (tốn thời gian, chi phí) chính là doanh nghiệp.
Theo hiệp hội Dệt May Việt Nam, Thông tư 37 đã làm tăng chi phí giám định hàm lượng formaldehyt đối với lô hàng vải nhập khẩu về sản xuất là 2 triệu đồng/1 mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn là 10 USD Mỹ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) còn cho rằng, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may là trái luật.
ADB hỗ trợ Việt Nam 4,3 tỉ USD
Ngày 11/10, ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tuyên bố cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: “Khoản vay giúp Việt Nam thực hiện ba trụ cột: Thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh; tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; cải cách tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Bên cạnh đó, ngày 13/10, ADB còn cùng Chính phủ Việt Nam kí hiệp định vay trị giá 231,3 triệu USD nhằm tăng cường lưới truyền tải điện ở miền Nam.
Đây là khoản vay thứ ba trong Chương trình Đầu tư lưới truyền tải điện có thời hạn 10 năm, được ADB phê duyệt vào năm 2011. Khoản vay thứ tư dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2017 cũng sẽ tập trung vào đường dây truyền tải 500kV và các trạm biến áp ở khu vực phía Nam.