|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sử dụng đòn bẩy tài chính, bài toán khôn ngoan của các ông lớn

11:15 | 03/03/2020
Chia sẻ
Mặc dù liên tục mở rộng mạng lớn kinh doanh, nhưng biên lợi nhuận của các công ty lớn trên sàn liên tục cải thiện cho thấy họ đang sử dụng hiệu quả dòng vốn của mình.
Sử dụng đòn bẩy tài chính, bài toán khôn ngoan của các ông lớn - Ảnh 1.

Nhiều người hiện nay khi đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp khi thấy khoản nợ phải trả ngắn hạn lớn là xấu, nhưng thực tế không hẳn là như thế. Bởi với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, việc sử dụng đòn bẩy tài chính tạo cho công ty cơ hội tạo ra lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, đa số các doanh nghiệp lớn sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và có hiệu quả cao, nhất là các doanh nghiệp trong trong lĩnh vực bất động sản, xây lắp, bán lẻ.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Vinhomes (Mã: VHM), có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính 3,04. Trong năm 2019, Vinhomes đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 24.206 tỉ đồng, tăng 63,8% so với năm 2018; ROE đạt 37,74%.

Hay Công ty Cổ phần Hàng không Viejet Air (Mã: VJC) có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính 3,11, lợi nhuận năm 2019 đạt 4.219 tỷ đồng, ROE là 28,74%.

Một trong những trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả trong các doanh nghiệp đang niêm yết là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Công ty có hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính lên tới trên 6. Tuy nhiên, thường xuyên duy trì mức ROE trên 25% từ năm 2015 trở lại đây. Riêng năm 2016, ROE của NTC là 97% và năm 2019 ở mức 40,4%.

Một doanh nghiệp lớn khác trên sàn cũng sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả là Thế giới Di động (Mã: MWG). Năm 2019, hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính của MWG ở mức 3,43. Trong đó, khoản vay ngắn hạn tăng khá mạnh từ 5.836,4 tỉ đồng, lên 13.031 tỉ đồng, chi phí tài chính theo đó tăng hơn 30%, từ 436,4 tỉ đồng lên 568 tỉ đồng.

Tuy nhiên, năm 2019, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng hơn 18%, đạt 102.174 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 33,2%, đạt 3.836,24 tỉ đồng. EPS năm 2019 đạt 8.657 đồng, tăng 29,4%; ROE đạt 36,3%.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Thế giới Di động, việc tăng sử dụng đòn bẩy tài chính này nằm trong kế hoạch kinh doanh rõ ràng của Công ty, sử dụng dùng để nhập hàng phục vụ cho tháng kinh doanh Tết, thường là tháng kinh doanh sôi động nhất trong năm.

Mặt khác, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Thế giới Di động, mức chi phí tài chính này cũng thấp hơn doanh thu tài chính của Công ty (631,2 tỉ đồng), nên đây không phải là vấn đề lớn với Công ty.

Như vậy, nhờ sử dụng vốn hiệu quả, Thế giới Di động được các nhà băng lớn cho vay không cần tài sản thế chấp. 

Cụ thể, 13.000 tỉ đồng vay ngắn hạn của công ty tính tới cuối năm 2019 theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 đều được các ngân hàng lớn như HSBC, Vietcombank, ANZ, Standard Chartered, Citibank, BNP Paribas… cho vay theo hình thức tín chấp với lãi suất thả nổi.

Bích Thu