Sự bùng nổ năng suất sẽ củng cố cho kịch bản 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ
Nước Mỹ sắp trải qua một sự kiện kinh tế lịch sử: lạm phát sẽ trở lại mức bình thường – sau một loạt các đợt tăng lãi suất cao chưa từng có – mà không gây suy thoái kinh tế.
Đó là một kịch bản mà các nhà phân tích gọi là “hạ cánh mềm”. Theo các chuyên gia kinh tế, những tiến bộ đáng kể mà nền kinh tế Mỹ đã đạt được cho đến nay là nhờ vào sự bùng nổ tăng trưởng năng suất.
Vào năm ngoái, chính năng suất tăng cao mạnh mẽ đã góp phần giúp ổn định tình hình, hỗ trợ nền kinh tế Mỹ tránh được vòng xoáy lạm phát-tăng lương.
Tại Mỹ, năng suất được đo bằng cách chia tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế cho mỗi giờ làm việc của người lao động. Dựa trên dữ liệu của Bộ Lao Động Mỹ, tỷ lệ này đã tăng 2,7% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình trong hai thập kỷ gần đây.
Nhà kinh tế học và đồng thời là chiến lược gia trưởng mảng nghiên cứu thị trường tại Công ty New York Life Investments, Lauren Goodwin, cho biết: “Năng suất cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế và lạm phát. Do đó, câu hỏi liệu người lao động có làm việc hiệu quả hơn hay không là một câu hỏi quan trọng mà các ngân hàng trung ương đang xem xét”.
Để giải thích cho lý do vì sao năng suất lao động tại Mỹ lại tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng khó để có thể tìm được một đáp án chính xác và duy nhất.
Nhiều người nhận định nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Chính công nghệ này đã tạo ra cơ sở giúp hoạt động kinh tế vận hành hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng AI tạo sinh có thể mang lại sự biến đổi thậm chí còn mạnh mẽ hơn so với thời kỳ áp dụng rộng rãi Internet vào đầu thế kỷ này.
Nhưng chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty nghiên cứu thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody, Mark Zandi, nói: “Mức tăng năng suất lớn hơn nhờ vào AI tạo sinh có thể sẽ chỉ được nhìn thấy sau một thời gian nữa, do độ trễ của việc triển khai và áp dụng chúng. Người lao động cần được đào tạo về cách sử dụng công nghệ mới và các công ty phải tìm ra cách tích hợp hiệu quả công nghệ AI tạo sinh vào quy trình hoạt động của họ”.
Một nguyên nhân khác lý giải cho việc năng suất tăng nhanh là các công ty Mỹ đã hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2023 nhờ dự đoán về một cuộc suy thoái chưa bao giờ xảy ra. Thị trường việc làm trong suốt 12 tháng qua đã hoạt động rất sôi động, nhưng một số công ty lớn vẫn cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc sa thải nhân viên.
Ví dụ, Microsoft, Meta, 3M và Citigroup đã cắt giảm hàng nghìn việc làm vào năm ngoái. Nhà kinh tế trưởng tại Monex USA, John Min, chia sẻ: “Rất nhiều công ty đã sa thải nhân viên vì họ dự đoán sẽ có một sự suy thoái đáng kể sắp xảy ra…
Nhưng nền kinh tế đã hoạt động tốt, nhờ đó năng suất cao hơn, hỗ trợ tăng trưởng tiền lương cao hơn và ngăn chặn lạm phát gia tăng”. Tín hiệu năng suất cao rõ ràng đã mang lại sự lạc quan cho các thị trường, với niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cân nhắc về yếu tố này trước khi đưa ra quyết định về hướng đi của chính sách trong các cuộc họp thường kỳ sắp tới.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối năm ngoái, đã nói rằng: “Bạn không thể nói bất cứ điều gì về tiền lương cho đến khi bạn thực sự biết điều gì đang xảy ra với năng suất”. Nhưng trên thực tế chỉ báo kinh tế này lại khó có thể đo lường chính xác theo thời gian thực.
Đó là lý do tại sao số liệu năng suất ít khi tác động đến thị trường tài chính. Tuy nhiên, với những gì mà năng suất đã đem lại cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2023, đây sẽ là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch “hạ cánh mềm” mà Fed đang hướng tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để biết liệu sự bùng nổ năng suất trong năm 2023 có thực sự là một sự thay đổi mang tính chuyển biến tích cực của nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 hay không.