|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Streamer bán hàng online tạo 300 triệu USD doanh thu trong 12 giờ livestream

07:35 | 29/03/2021
Chia sẻ
Xinba, một livestreamer nổi tiếng ở Trung Quốc, trở lại sau một thời gian bị cấm livestream bán hàng vì bán hàng giả.

"Ông vua bán hàng livestream" bị thất sủng ở Trung Quốc Xinba đã có màn trở lại ấn tượng hồi cuối tuần trước khi bán được giá trị hàng hoá lên tới 300 triệu USD chỉ trong vỏn vẹn 12 giờ đồng hồ. 

Đây là một kỷ lục bán hàng trên nền tảng streaming Kuaishou. Bên cạnh đó, nó còn cho thấy những tiềm năng lớn của loại hình thương mại điện tử thông qua livestreaming đang nở rộ trong đại dịch COVID-19.

Xinba, một trong những influencer (người có tầm ảnh hưởng) lớn nhất mảng livestream ở Trung Quốc, lựa chọn Kuaishou cho lần trở lại của mình. Ở thời điểm hiện tại, Kuaishou là nền tảng video ngắn phổ biến thứ 2 ở quốc gia tỷ dân, chỉ đứng sau Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok).

'Vua bán hàng online' Trung Quốc trở lại, thu về 300 triệu USD chỉ trong 12 giờ - Ảnh 1.

Xinba có màn trở lại ấn tượng trên Kuaishou sau thời gian bị cấm livestream vì bán hàng giả. (Ảnh: SCMP).

Phiên livestream của Xinba thu hút tới 4 triệu lượt xem ở thời điểm cao trào. Anh bán thành công hơn 16 triệu mặt hàng khác nhau, từ dầu gội đầu cho tới điện thoại thông minh, theo công ty cung cấp dữ liệu mạng xã hội Bihu Kankan. 

Tổng giá trị hàng hoá giao dịch trong phiên livestream chạm mốc 2 tỷ nhân dân tệ (305,7 triệu USD), theo SCMP. Dù vậy, Kuaishou không đưa ra những con số chính thức liên quan đến phiên bán hàng của Xinba.

Doanh số mà Xinba thực hiện trong phiên livestream được đánh giá là đáng kinh ngạc, nhất là trong bối cảnh streamer này vừa "sa lầy" trong một cuộc tranh cãi chỉ vài tháng trước. Lần này, Xinba có doanh thu nhiều hơn doanh thu của trung tâm thương mại Times Square tại Causeway Bay, một trong những điểm bán hàng xa xỉ nổi tiếng ở Hong Kong, trong cả năm 2020.

Trước đó, kỷ lục livestream bán hàng trên Kuaishou dừng lại ở con số 1,45 tỷ nhân dân tệ ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.

Đây là phiên livestream bán hàng đầu tiên mà Xinba thực hiện trong gần 3 tháng trở lại. Năm ngoái, streamer gây ra tranh cãi lớn sau khi cơ quan quản lý thị trường Quảng Châu phát hiện ra Xinba bán sản phẩm tổ yến giả làm từ đường và nước.

Thời điểm đó, nhà chức trách phạt Xinba số tiền lên tới 900.000 nhân dân tệ đồng thời Kuaishou áp dụng án phạt cấm anh thực hiện livestream trong vòng 60 ngày. Về phần mình, Xinba đưa ra lời xin lỗi và thực hiện đền bù gấp 3 lần số tiền đã bỏ ra cho những khách hàng bị ảnh hưởng.

Livestream thương mại điện tử đang trở thành một thị trường cạnh tranh cao ở Trung Quốc. Trong lúc đại dịch COVID-19 khiến nhiều người không thể ra ngoài, livestream mang đến cho người dùng một trải nghiệm mua sắm có tính tương tác cao.

Nam 2020, KPMG ước tính dung lượng thị trường livestream thương mại điện tử Trung Quốc đạt mốc 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (152,8 tỷ USD). Theo Qianzhan Industry Research Institute, Taobao Live, nền tảng của "ông lớn" Aliababa, đang có trong tay một nửa miếng bánh thị phần. Cùng thời điểm, Kuaishou và Douyin chiếm phần lớn phần còn lại.

Với Kuaishou, những influencer lớn như Xinba đang giúp chuyển đổi người xem thành người mua. Dù vậy, Kuaishou cũng đang nỗ lực hỗ trợ các influencer nhỏ hơn để tránh phụ thuộc vào một nhóm nhỏ những người nổi tiếng. Theo báo cáo tài chính của công ty, tổng giá trị hàng hoá bán ra của Kuaishou trong năm 2020 đạt 381,2 tỷ nhân dân tệ, tăng mạnh từ 59,6 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019.

Dù vậy, việc chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát các nền tảng livestream và video ngắn ở Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng giảm tốc.

Hồi tháng 3, Cơ quan quản lý và điều hành thị trường quốc gia đưa ra quy định mới trong đó các mạng xã hội và nền tảng livestream sẽ được đối xử tương tự như các nền tảng thương mại điện tử. Thực tế này có thể khiến chi phí vận hành của các công ty như Kuaishou tăng lên.

Thái Sơn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.