|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup xe đẩy bán bánh mì bình dân với doanh thu triệu USD gọi vốn thành công từ ba 'cá mập'

06:32 | 25/07/2022
Chia sẻ
Đã hoạt động được 8 năm và vượt qua các giai đoạn khó khăn như COVID-19, Bánh mì Má Hải chứng minh được sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

 2 người đồng sáng lập Bánh mì Má Hải gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Tập 8 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” mở màn bằng phần kêu gọi vốn của anh Hồ Đức Hải và anh Đoàn Văn Minh Nhật cho startup Bánh mì Má Hải (bánh mì chả cá). 2 người đồng sáng lập kêu gọi 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần startup của mình.

Anh Hải cho biết startup Bánh mì Má Hải đã được khởi động từ năm 2013 với số vốn vỏn vẹn 3 triệu đồng. Đến năm 2016, Bánh mì Má Hải mở rộng được 40 điểm bán tại TP.HCM và tạo ra hàng trăm công việc cho các bạn sinh viên. Đến năm 2018, đội ngũ sáng lập startup nhận thấy tiềm năng mở rộng Bánh mì Má Hải thông qua hình thức nhượng quyền. Đến nay, Bánh mì Má Hải đã khoảng 400 điểm bán.

Người sáng lập Bánh mì Má Hải cho biết mô hình nhượng quyền của startup này rất phù hợp với các bà nội chợ, công nhân hay đơn giản là những người có thời gian rảnh rỗi vào buổi sáng.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2020, Bánh mì Má Hải ghi nhận mức doanh thu 2 triệu USD. Năm 2021, doanh thu của Bánh mì Má Hải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và rơi về mốc 1 triệu USD (báo lỗ). Đến năm 2022, doanh thu trung bình theo tháng của startup này đang ổn định ở mức 150.000 USD. Dự kiến đến những tháng cuối năm, con số này có thể dao động từ 200.000 USD đến 250.000 USD/tháng.

Mô hình kinh doanh của Bánh mì Má Hải là cung cấp trọn gói chiếc xe bánh mì với chi phí khoảng 7,5 triệu đồng và sau đó tiếp tục có doanh thu bằng cách cung cấp nguyên liệu cơ bản. Startup này hiện đang có mức lợi nhuận khoảng 9% trong doanh thu.

Shark Liên quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Minh Nhật cho biết hiện tại startup này mới chỉ đang đi thuê nhà xưởng song máy móc, trang thiết bị đều đảm bảo và có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bánh mì Má Hải cũng thực hiện kiểm định sản phẩm theo yêu cầu 6 tháng/lần.

Dù vậy, Bánh mì Má Hải lại không cung cấp bánh mì mà chỉ gợi ý tìm kiếm các đối tác cung cấp bánh mì cụ thể tại địa phương cho các đối tác nhượng quyền. Điều này khiến Shark Liên lo ngại về sự đồng nhất chất lượng sản phẩm. Anh Minh Nhật thừa nhận đây là điểm hạn chế của startup và khẳng định việc sản xuất vỏ bánh mì cấp đông đang được startup này nghiên cứu.

Shark Bình đặt ra câu hỏi liệu bánh mì chả cá có phải là một “trend” (xu hướng) dễ lên nhưng cũng dễ xuống hay không. 2 người đồng sáng lập phủ nhận điều này bằng chia sẻ hiện tại mỗi ngày Bánh mì Má Hải có thêm một điểm bán. Các điểm bán đều hướng đến đối tượng người lao động, học sinh, sinh viên. Đây là lý do vì sao sản phẩm của startup này rất khó “xuống”.

Khi nhận được câu hỏi về kỳ vọng của Bánh mì Má Hải về việc một trong các Shark sẽ đầu tư. Đến đây, anh Minh Nhật “lật bài ngửa” và chia sẻ các lý do Shark Liên nên đầu tư cho startup của anh bao gồm Bánh mì Má Hải có thể “tích hợp” vào hệ sinh thái của Shark Liên (trở thành điểm bán bảo hiểm) đồng thời Bánh mì Má Hải góp phần giúp cho nhiều người có thêm thu nhập, đặc biệt là nhóm người yếu thế như LGBT (anh Nhật là một người thuộc cộng đồng LGBT).

Shark Linh đặt ra câu hỏi về hoạt động vận hành của Bánh mì Má Hải và nhận được câu trả lời rằng hiện tại startup này mới chỉ tập trung ở các thị trường như TP.HCM, các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Sở dĩ  Bánh mì Má Hải chưa có mặt ở miền Bắc là do chưa thiết lập, xây dựng xong các cơ sở về logistics. Hiện tại, kênh phát triển các đối tác nhượng quyền của Bánh mì Má Hải chủ yếu thông qua kênh truyền miệng.

Shark Hưng là người đầu tiên đưa ra quyết định không đầu tư do ông cho rằng Bánh mì Má Hải có thể hoạt động tốt ở quy mô này và mấu chốt nằm ở việc tìm cách đồng nhất chất lượng sản phẩm. Do không đúng khẩu vị đầu tư, Shark Bình cũng quyết định không đầu tư vào Bánh mì Má Hải.

Shark Linh chia sẻ sự hào hứng với mô hình kinh doanh của Bánh mì Má Hải và đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần. Shark Louis cho biết ông đang đầu tư vào một mô hình tương tự và ông quan tâm đến việc liệu những người sáng lập của Bánh mì Má Hải có thể nghĩ đến việc bỏ sung thêm các sản phẩm khác vào thực đơn của mình. Sau khi nhận được sự thiện chí của nhóm đồng sáng lập và thảo luận với các Shark, Shark Louis đưa ra đề nghị đầu tư có cả sự tham gia của Shark Liên và Shark Linh ở mức 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.

Sau khi thảo luận, Bánh mì Má Hải đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 30% cổ phần và sau đó đổi thành 7,5 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Tuy nhiên, các Shark không đồng ý. Cuối cùng, Bánh mì Má Hải đồng ý với đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần với sự đồng hành của cả 3 Shark.

Thái Sơn