|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup giúp quản lý giám sát cả nhà máy chỉ bằng một chiếc smartphone ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam

10:32 | 18/07/2022
Chia sẻ
Có tiềm năng thị trường nhưng quy mô thị trường nhỏ khiến IOT Đại Việt không thể thuyết phục được các Shark gật đầu đầu tư.

 Anh Phan Thanh Huy Cường, đồng sáng lập kiêm CEO IOT Đại Việt, trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Với mục tiêu giúp khắc phục các khó khăn trong điều hành công nghiệp liên quan đến chi phí đầu tư, hạ tầng, anh Phan Thanh Huy Cường cùng startup IOT Đại Việt mong muốn kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 10% giá trị doanh nghiệp trong tập 7 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”.

IOT Đại Việt là công ty chuyên cung cấp các giải pháp về IOT, các phần mềm giám sát, vận hành các thiết bị toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp. Từ đó, giúp các nhà máy, nhà thầu có thể dễ dàng kiểm soát được các yếu tố như điện, nước, năng lượng, CO2, các cảng xử lý nước sạch hay hệ thống lạnh chỉ qua một chiếc smartphone. Bên cạnh các dịch vụ liên quan đến IOT, IOT Đại Việt còn có dịch vụ mô hình hoá 3D và số hoá dữ liệu trong khu công nghiệp – nhà máy.

Trong năm 2019 và 2020, IOT Đại Việt đã giúp các nhà thầu và nhà máy nước xử lý vấn đề nước mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, IOT Đại Việt hiện tại cũng đã kết nối các thiết bị gateway phần cứng của nhiều hãng sản xuất lớn vào hệ thống phần mềm của mình. Anh Huy Cường cho biết IOT Đại Việt mới bắt đầu kinh doanh vào tháng 3 năm nay mặc dù việc nghiên cứu đã được bắt đầu từ năm 2018.

Shark Hưng bày tỏ sự hứng thú của mình với sản phẩm của IOT Đại Việt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự thành công của startup này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ triển khai. Shark Hưng đặt ra câu hỏi về chi phí để một nhà máy nước có thể sử dụng được giải pháp của IOT Đại Việt. Anh Cường cho biết mức chi phí đầu tư cho một nhà máy dao động từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Anh Cường khẳng định mục tiêu của các giải pháp từ IOT Đại Việt là nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát chứ không phải là thay thế nhân sự con người.

Anh Cường cho biết IOT Đại Việt đang có tập người dùng khoảng 30 nhà thầu cùng với đó là khoảng 200 người dùng cuối đang sử dụng. Tập khách hàng này nằm trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải, nước sạch và hệ thống lạnh. Anh Cường đặt mục tiêu doanh thu khoảng 10 tỷ đồng trong năm 2022 với lợi nhuận từ 30% đến 35%.

Shark Bình gợi ý với mô hình kinh doanh của IOT Đại Việt sẽ phù hợp hơn với việc gọi vốn thông qua vốn vay bởi hình thức gọi vốn cổ phần thường áp dụng nhiều hơn với các startup có tiềm năng tăng trưởng cao cùng khả năng tăng gấp từ 5 – 10 lần quy mô chỉ trong một thời gian ngắn. Shark Bình quyết định không đầu tư.

Shark Phú có quan điểm tương tự và cho rằng IOT Đại Việt không cần quá nhiều tiền để có thể vận hành bởi chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ trong tư vấn B2B. Shark Phú cũng không đầu tư.

Shark Linh cho biết bà không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên khó mang đến giá trị cho công ty, bà quyết định không đầu tư. Shark Liên cũng đưa ra quyết định tương tự.

Shark Hưng nhận định mảng kinh doanh của IOT Đại Việt có thị trường nhưng không đủ lớn và không phải là một thị trường đại chúng giống như các sản phẩm gia dụng. Shark Hưng cho biết ông đang quan tâm đến mảng IOT trong các lĩnh vực như nhà thông minh hay thành phố thông minh. Bên cạnh đó, việc kinh doanh phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ và sản phẩm không đại chúng cũng khiến các Shark không mang lại được thêm giá trị cho startup. Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư.

Nam Khánh