|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup TMĐT ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam do định giá công ty 'trên trời'

07:22 | 11/07/2022
Chia sẻ
Tham vọng mở rộng ra toàn Đông Nam Á vào năm 2025 song Funimart chưa thuyết phục được các Shark xuống tiền đầu tư.

Anh Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Hữu Liêm, 2 người đồng sáng lập của Funimart, đã có mặt trong tập 6 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”, để kêu gọi số vốn 500.000 USD cho 7,5% cổ phần công ty. Bắt đầu màn gọi vốn, anh Minh Đức khẳng định Funimart là một trong những sàn TMĐT dropship  hàng đầu tại Việt Nam với mục tiêu trở thành top 1 về nền tảng hệ sinh thái kinh doanh online, có mặt tại 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025.

2 người đồng sáng lập của Funimart gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực kinh doanh online, anh Liêm khẳng định mình hiểu được sự khó khăn của những người khởi nghiệp kinh doanh online, vì thế Funimart ra đời như một công cụ kết nối các nhà sản xuất và các cộng tác viên. Trong đó, nhà sản xuất có thể đăng tải sản phẩm, tìm kiếm, gia tăng và quản lý số lượng cộng tác viên trên cùng một nền tảng. Tất cả các mặt hàng sẽ được nhà sản xuất giao tận tay tới cho khách hàng, trong khi đó cộng tác viên được hưởng một phần hoa hồng trên các đơn hàng thành công.

Bên cạnh nền tảng kinh doanh, Funimart còn có thêm sản phẩm Funi Academy như một nơi để chia sẻ, đào tạo các kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến thông qua các khoá học miễn phí và chuyên sâu có phí. Trong 2 tháng qua, Funi Academy có trên 300 triệu doanh thu.

Ngoài các sản phẩm vật lý, anh Minh Đức cho biết Funimart còn có thêm các dịch vụ như bảo hiểm, vé máy bay… với mục tiêu mang đến một hệ sinh thái hoàn thiện, tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho các cộng tác viên.

Funimart hiện tại đang xây dựng nhiều mối quan hệ hợp tác để phục vụ cho các tham vọng của mình, bao gồm hợp tác với các hãng vận chuyển, ví điện tử, cổng thanh toán và sản phẩm tín dụng để tài trợ cho các nhà bán hàng.

Anh Liêm cho biết Funimart đã hoạt động được trong vòng 2 năm và trong năm 2022 đã đạt đến điểm hoà vốn cùng GMV (tổng khối lượng hàng hoá giao dịch) đạt trung bình 500.000 USD/tháng và hơn 50.000 cộng tác viên đã và đang hoạt động. Doanh thu của Funimart trong tháng gần nhất (tính đến thời điểm gọi vốn) là 1,5 tỷ đồng.

Funimart không thu phí trên từng đơn hàng, thay vào đó, nó có 4 nguồn thu chính là phí vận hành hợp tác cùng một số nhãn hàng (trực tiếp bán hàng và phân phối cho một số nhãn hàng), phí cố định hàng tháng (200.000 đồng/nhà cung cấp và 20.000 đồng/cộng tác viên), thu phí hoa hồng từ các đơn vị vận chuyển và phí từ hoạt động đào tạo.

Shark Bình chia sẻ, từ kinh nghiệm của ông, các nguồn thu của Funimart hiện chưa có gì đáng chú ý. Theo Shark Bình, nguồn thu chính của các startup kinh doanh theo mô hình này nên là thu phí dựa trên GMV. Hiện tại, Funimart mới chỉ niêm yết các mặt hàng của khoảng 100 nhãn hàng.

Trước khi tham gia Shark Tank, Funimart đã trải qua 2 vòng gọi vốn với tổng số vốn kêu gọi là 110.000 USD.

Shark Liên đặt ra câu hỏi về lợi thế cạnh tranh của Funimart so với các đối thủ. Anh Liêm cho biết lợi thế của startup này nằm ở việc các cộng tác viên đều có thể bán hàng đa kênh với khả năng đồng bộ đa dạng. Bên cạnh đó, Funimart cũng có điểm mạnh nằm ở việc xây dựng được cộng đồng gồm trên dưới 50.000 cộng tác viên.

Trước vấn đề duy trì cạnh tranh khi có các đối thủ mới, Funimart cho biết họ không e ngại nếu có các đối thủ mới và thậm chí đây còn là cơ hội để giới thiệu với thị trường về mô hình kinh doanh này tới thị trường. Thay vào đó, Funimart tập trung vào tối đa hoá giá trị cho các cộng tác viên. Dù vậy, Shark Bình cho rằng Funimart đang quá “lý tưởng” và “khó tồn tại”.

Shark Linh trong khi đó quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm trên sàn. Anh Minh Đức cho biết Funimart có đội ngũ kiểm định trực tiếp chất lượng sản phẩm đối với các nhãn hàng. Với các mặt hàng đến kho của các nhà cung cấp, Funimart có hệ thống đánh giá, xếp hạng dựa trên lịch sử bán hàng.

Shark Hưng là người đầu tiên từ chối đưa ra đề nghị đầu tư cho Funimart vì đây là một cuộc chơi “khổng lồ” với nhiều yếu tố đầu vào để có thể tạo ra GMV ổn định. Ông cũng tỏ ra hoài nghi với con số GMV 500.000 USD mà Funimart đưa ra.

Shark Bình cho rằng Funimart sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như tìm kiếm nguồn hàng, chi phí giữ chân động tác viên trong khi đó biên lợi nhuận lại khá thấp. Shark Bình cũng từng đầu tư vào các startup dropship nhưng chưa thành công. Vì thế, ông chưa đầu tư vào Funimart ở thời điểm này.

Shark Phú, Shark Linh và Shark Liên cũng đều không đầu tư do định giá startup quá cao, trong khi đó công ty cũng chưa có khả năng cạnh tranh mạnh.

Nam Khánh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.