|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup môi giới tài chính của Việt Nam mở rộng sang Philippines

13:22 | 03/10/2024
Chia sẻ
MFast dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng gấp đôi, khoảng 10 triệu USD trong đó thị trường Việt Nam đóng góp chính.

Theo Tech in Asia, trong bối cảnh các công ty đang đầu tư hàng triệu USD để bán sản phẩm tài chính trực tuyến, từ bảo hiểm đến thẻ tín dụng, thì MFast, một startup fintech tại Việt Nam, lại chọn cách tiếp cận truyền thống: mạng lưới đại lý.

MFast thành lập năm 2017, đạt được thành công nhờ mô hình "ai cũng có thể làm đại lý tài chính” - cung cấp kênh bán hàng trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm thông qua mạng lưới cộng tác viên.

Chỉ cần một chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng MFast và bản sao chứng minh thư nhân dân, tài khoản ngân hàng cùng số điện thoại chính chủ là bất kỳ ai cũng có thể đăng ký làm cộng tác viên (đại lý). 

Ứng dụng của MFast không chỉ là nơi để đại lý gửi thông tin khách hàng và đăng ký dịch vụ tài chính (bao gồm mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ tín dụng, vay tín chấp cá nhân và vay tiêu dùng) mà còn là công cụ quản lý quan hệ khách hàng. Đại lý có thể dễ dàng theo dõi lịch sử giao dịch, ví dụ như khi nào khách hàng cần gia hạn bảo hiểm xe máy.

Với mạng lưới 350.000 đại lý trên khắp Việt Nam, MFast đã giải ngân được 300 triệu USD tiền vay và bán ra 3 triệu USD bảo hiểm cho các ngân hàng và tổ chức tài chính đối tác.

Hai nhà sáng lập Phan Thanh Long và Phan Thanh Vinh. (Ảnh: MFast).

Hiện tại, MFast đang trong quá trình gọi vốn series B, với mục tiêu lên đến 15 triệu USD, để mở rộng sang Philippines, quốc gia có tỷ lệ người dân chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng cao thứ hai Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, khoảng 69% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ này ở Philippines cũng tương tự, khoảng 66%. Chính vì vậy, ông Phan Thanh Long, CEO và đồng sáng lập MFast, tỏ ra khá lạc quan về tiềm năng phát triển của công ty tại thị trường này.

"Chúng tôi nhận thấy những khó khăn mà chúng tôi đã giải quyết được ở Việt Nam cũng tồn tại ở Philippines", ông Long chia sẻ.

Ông Đặng Minh Quân, Giám đốc tài chính MFast, cho biết các tổ chức tài chính ở cả hai quốc gia đều tập trung cạnh tranh ở các thành phố lớn. "Vì vậy, người dân ở nông thôn thường phải tìm đến các hình thức tín dụng phi chính thức", ông Quân nói.

Theo một khảo sát năm 2019 của ngân hàng trung ương Philippines, một nửa người dân nước này vay tiền từ người quen như bạn bè và gia đình. Khoảng 1/10 tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

MFast kỳ vọng một trong những sản phẩm chủ lực của họ, các khoản vay cá nhân được ngân hàng quản lý, sẽ thu hút được người dân Philippines. Điểm mạnh của sản phẩm này là được chính những người quen biết như bạn bè, người thân trong gia đình giới thiệu và cung cấp.

Ông Quân nói hoạt động kinh doanh quý đầu tiên của MFast tại Philippines khá khả quan, khi văn phòng tại đây đã tạo ra doanh thu chỉ với 30 đại lý. Ban đầu, công ty hợp tác với các tổ chức tài chính nhỏ như SB Finance và Global Dominion Financing, một công ty cho vay trong nước, để cung cấp các khoản vay cá nhân có bảo đảm.

Những thành công bước đầu này cho thấy mô hình kinh doanh của MFast có thể hoạt động tốt ngoài thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty nhận thức rõ rằng hoạt động tại Việt Nam vẫn sẽ là động lực chính để đạt được lãi ròng vào năm 2025.

Tại Việt Nam, MFast đã bắt đầu cung cấp các khoản vay tiêu dùng mang thương hiệu riêng. "Việc phân phối sản phẩm của riêng mình đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, nhưng đã giúp MFast gia tăng đáng kể biên lợi nhuận", ông Quân cho biết thêm.

Các đối tác khách hàng của MFast tại Việt Nam bao gồm BIDV và MoMo. Cuối năm ngoái, công ty cũng đã mở các ki-ốt bán hàng tại các vùng nông thôn. Các ki-ốt này thường được đặt cạnh các cửa hàng tạp hóa để hỗ trợ đại lý bán các khoản vay tiêu dùng cho các thiết bị gia dụng giá trị lớn như điều hòa và tủ lạnh.

Đến nay, dòng sản phẩm mới này dường như đang hoạt động hiệu quả, ông Quân cho biết, khi công ty ghi nhận các khoản vay mua điều hòa tại Việt Nam tăng vọt vào mùa hè vừa qua.

MFast thường thu được khoảng 20% đến 25% hoa hồng trên tổng doanh thu sản phẩm. Ông Quân cho biết số tiền hoa hồng này được chia sẻ giữa công ty và đại lý, trong đó đại lý nhận được 70%.

Mặc dù mức hoa hồng này có vẻ đáng kể, nhưng ông Quân cho rằng các khách hàng tiềm năng do đại lý của công ty tạo ra mới là điều khiến MFast khác biệt so với các sàn giao dịch tài chính khác. 

Ông giải thích rằng tỷ lệ chuyển đổi của những khách hàng tiềm năng này là 20%, vì đại lý "chào bán sản phẩm cho những người mà họ biết rõ là có nhu cầu".

Năm ngoái, MFast ghi nhận 4,2 triệu USD doanh thu đã kiểm toán nhờ mô hình kinh doanh này. Công ty tin rằng doanh thu của họ có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay, lên ít nhất 10 triệu USD, chủ yếu nhờ vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cùng với một phần đóng góp nhỏ từ hoạt động tại Philippines, bắt đầu từ tháng 1.

Startup này hy vọng sẽ có nhà đầu tư Philippines tham gia vào vòng gọi vốn series B, dự kiến kết thúc vào đầu năm sau, để hỗ trợ cho "tăng trưởng chiến lược" của công ty.

Đức Huy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.