|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup của Kevin Tùng Nguyễn - người từng lọt top Forbes Under 30, lỗ liên miên ăn mòn vốn chủ

18:43 | 04/07/2024
Chia sẻ
JobHopin được kỳ vọng sẽ thay đổi cách các nhà tuyển dụng sàng lọc ứng viên thông qua sự hỗ trợ từ AI. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của startup này không mấy khả quan.

Ngày 3/7, tờ Tech in Asia dẫn nguồn tin cho hay Kevin Tùng Nguyễn - một nhà khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam, đã tạm dừng hai dự án là JobHopin và Skola. Theo tờ báo, Tùng đang tranh chấp với vợ về quyền sở hữu Skola - nền tảng Edtech được đăng ký ở cả Việt Nam và Singapore.

Tùng được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á năm 2019. Năm 2017, Tùng được biết đến với vai trò là nhà sáng lập JobHopin - sử dụng AI và máy học để tự động hóa việc tìm kiếm việc làm và tuyển dụng.

 Đội ngũ JobHopin. (Ảnh:JobHopin).

Tại Việt Nam, JobHopin có tên đăng ký kinh doanh là CTCP Doanh nghiệp Xã Hội Ivy Care, thành lập tháng 8/2016, đặt trụ sở tại quận 4, TP HCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý như tài chính, marketing,… Ông Nguyễn Hải Tùng (Kevin Tùng Nguyễn) là Đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

JobHopin đạt được thành công nhất định vào năm 2020 khi huy động được 3 triệu USD vòng Series A từ các nhà đầu tư như KK Fund, Mynavi Corporation và Edulab Capital Partners.

Thời điểm đó, JobHopin cho biết họ có kho dữ liệu gồm 1,4 triệu ứng viên việc làm từ 2.000 khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nền tảng kết nối ứng dụng trí tuệ nhân tạo có tên là Bunny, có khả năng "quét" hồ sơ của ứng viên trên quy mô lớn. Một năm sau, startup này đã ký được thỏa thuận hợp tác chiến lược với SAP Việt Nam.

Tuy nhiên bắt đầu từ năm ngoái, JobHopin đã gặp khó khăn khi không huy động được vốn trong vòng Series B trị giá 15,6 triệu USD, theo Tùng trao đổi với Tech in Asia.

Tùng giải thích do các vấn đề về quy định, công ty đã mất hai năm để đảm bảo khoản tranche tiên trị giá 5,6 triệu USD thay vì 6 tháng theo kế hoạch. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng đến định giá của JobHopin trước vòng gọi vốn và khả năng huy động được 10 triệu USD còn lại.

Tùng cho biết startup của mình đã bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều công ty công nghệ, bao gồm cả những khách hàng lớn nhất của họ là RedDoorz và Traveloka, bắt đầu đóng băng tuyển dụng vào đầu năm 2023. Ngoài ra, phần lớn nhân viên JobHopin với gần 200 người vào thời điểm đỉnh cao - đã nghỉ việc hoặc bị sa thải.

Ngoài dòng vốn huy động được từ các tổ chức, theo dữ liệu doanh nghiệp tự công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ivy Care đã phát hành hai lô trái phiếu huy động tổng cộng 37,5 tỷ đồng trong hai năm liên tiếp 2022 - 2023.

Năm 2022, Ivy Care phát hành một lô trái phiếu trị giá 22,5 tỷ đồng.Tháng 6/2023, Ivy Care tiếp tục phát hành lô trái phiếu trị giá 15 tỷ đồng với lãi suất 1,33%/năm -  thấp hơn nhiều so với ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu khác. Cả hai lô đều có kỳ hạn 6 năm, đơn vị tư vấn phát hành là Chứng khoán SSI.

Trong trường hợp có vi phạm mà không được khắc phục, Ivy Care sẽ phải mua lại trái phiếu trước hạn với mức lãi chênh lệch 15%, bằng phương án: (tổng mệnh giá trái phiếu + lãi phạt) + (15%x tổng mệnh giá trái phiếu nắm giữ tại thời điểm mua lại x tổng số ngày nắm giữ đến trước ngày thực hiện mua lại : 365).

Về kết quả kinh doanh, Ivy Care thua lỗ liên tiếp trong ba năm giai đoạn 2021 - 2023. Năm ngoái, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 33 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 25 tỷ đồng và năm 2021 lỗ hơn 33 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Ivy Care giảm còn 48 tỷ đồng so với 81 tỷ đồng đầu năm. Tại thời điểm này vốn điều lệ của công ty là 163 tỷ đồng nên có thể ước tính lỗ luỹ kế 115 tỷ đồng.

Trong khi đó, pháp nhân đăng ký hoạt động tại Singapore cũng không khả quan hơn khi JobHopin thua lỗ trong hai năm qua, theo Tech in Asia. Lỗ ròng sau thuế lên tới 1,78 triệu USD vào năm 2023, tăng so với mức 1,47 triệu USD vào năm 2022.

 

Tech in Asia cho biết đã có những nghi vấn xung quanh khả năng trí tuệ nhân tạo của JobHopin. Đơn cử, tính năng phân tích CV hàng loạt nhờ AI. Tuy nhiên, một cựu nhân viên cấp cao tiết lộ rằng nhân sự của JobHopin vẫn phải tự mình tìm kiếm nhân tài thủ công thông qua Linkedin và các nền tảng khác. 

“Bạn không thể chỉ quét CV và kỳ vọng cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng”, nguồn tin của Tech in Asia nhấn mạnh. “Điều quan trọng là phải có những người có thể gọi điện và kiểm tra lý lịch của các ứng viên này”.

Tùng đồng ý JobHopin không thể đạt được mức độ tự động hóa hoàn toàn, nhưng anh bác bỏ những cáo buộc cho rằng đây không phải là một nền tảng AI hoàn chỉnh. Tùng nói thêm, mô hình AI có khả năng phân tích tất cả dữ liệu phi cấu trúc được thu thập từ các nền tảng khác nhau về người nộp đơn, mô tả công việc hoặc công ty.

Do thị trường tuyển dụng ngày càng đông đúc, Tùng muốn JobHopin chuyển mình từ một "thợ săn đầu người hỗ trợ bởi AI" sang tập trung kinh doanh “nền tảng điều khiển AI" cho các khách hàng khác. Cách tiếp cận này sẽ cho phép khách hàng dễ dàng "biến các trang web nghề nghiệp của họ thành cổng thông tin việc làm chức năng".

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, chiến lược này không tạo ra đủ doanh thu. Kết quả, JobHopin lại chuyển hướng sang ikiHop vào năm 2022. IkiHop được quảng cáo như một nền tảng sử dụng GPT-4 để đào tạo và thưởng cho nhân viên thông qua các câu đố tương tác và trải nghiệm đào tạo được cá nhân hóa.

Đức Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.