Startup công nghệ Malaysia cho phép đổi rác lấy vàng
Căng thẳng thương mại, Trung Quốc ngừng nhập khẩu… rác Mỹ |
HelloGold, một công ty công nghệ ở Malaysia - hợp tác với công ty máy bán hàng tự động Klean ra mắt loại máy cho phép người dùng đổi chai nhựa hoặc nhôm có thể tái chế để lấy 0,00059 gram vàng.
Theo Business Insider, người dùng có thể đăng ký một tài khoản trên ứng dụng di động HelloGold, sau đó mang rác thải có thể tái chế tới máy tự động Klean bất kỳ để nhận điểm thưởng vào ví điện tử Klean. Sau đó, họ có thể chuyển đổi điểm thưởng này sang vàng nhờ liên kết giữa hai ứng dụng. Họ có thể mua, lưu trữ hoặc bán vàng với lượng nhỏ thông qua ứng dụng của HelloGold.
Điểm tín dụng trong ví điện tử Klean cũng có thể đổi lấy thẻ tín dụng thông minh, phiếu giảm giá nhà hàng… dành cho những người không có hứng thú với việc đầu tư, theo thông tin trên website của Klean.
Máy đổi rác lấy vàng của HelloGold và Klean. Ảnh: Vulcan Post |
HelloGold sẽ triển khai 500 máy tự động như thế này trên khắp Malaysia trong năm 2018. Người dùng cũng có thể đăng ký mở tài khoản trực tiếp tại các máy tự động.
Theo báo cáo của Edge Markets, người Malaysia có xu hướng giữ 44% tiền mặt bằng đồng nội tệ Ringgit - mức cao thứ 3 tại châu Á, sau Indonesia và Nhật Bản. Điều này được cho là cản trở họ đạt được các mục tiêu tài chính vì biến động tiền tệ và chi phí tăng cao.
"Thương vụ hợp tác mới nhất với Klean cho thấy những giá trị của chúng tôi trong việc dùng công nghệ tiên tiến để cung cấp giải pháp tài chính toàn diện và tạo ra của cải cho mọi người ngay trên phố", Robin Lee - đồng sáng lập, CEO của HelloGold nói.
HelloGold cũng nhận định rác thải nhựa đang ngày càng trở thành vấn đề môi trường cấp bách trên thế giới, đặc biệt ở châu Á.
Theo Reuters, trên toàn cầu, việc sử dụng đồ nhựa trong đóng gói tăng chóng mặt trong khi chỉ có 14% được tái chế, dẫn tới lãng phí khoảng 80 - 120 tỷ USD nhựa mỗi năm.
Năm 2017, Malaysia sử dụng khoảng 450.000 tấn đồ nhựa, tăng gần gấp đôi với với 288.000 tấn vào năm 2016. Đây cũng là một trong 10 quốc gia phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình trạng rác nhựa bị thải ra biển.
"Thông qua dự án này, chúng tôi muốn khuyến khích việc tái chế rác thải nhựa bằng cách cho người Malaysia thấy được rằng họ có thể làm giàu từ những thứ bỏ đi trong cộng đồng, trên mặt đất và ngoài biển", CEO của Klean - Nick Boden nói. Ông cũng cho biết dự án này có thể mở rộng sang các quốc gia khác như Singapore và Nam Phi.
Các máy tự động của Klean sẽ thu thập chai nhựa, nhôm, sau đó phân loại và nghiền bẹp tại chỗ. Chai nhôm sau đó được nấu chảy thành vật liệu nhôm tái chế, còn chai nhựa được tái chế thành nhựa nhiệt dẻo PET.