Bitcoin tăng nóng nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa trở lại?
Nhà đầu tư nhỏ lẻ mất hứng với bitcoin
Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bitcoin liên tục lập kỷ lục mới, vọt lên cao nhất là 93.445 USD/BTC, tăng 26,6% so với mức đỉnh từng ghi nhận vào tháng 3/2024 và 38% so với thời điểm trước cuộc bầu cử. Diễn biến trên đã đưa vốn hóa của đồng tiền số này lên hơn 1.800 tỷ USD, vượt qua cả Saudi Aramco - công ty dầu khí có vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Đà tăng của bitcoin dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi các nhà đầu tư trên thị trường tương lai tiếp tục đặt cược lớn vào khả năng đồng tiền mã hóa này phá thủng mốc 100.000 USD từ nay tới cuối năm.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã có được động lực lớn khi ông Donald Trump được sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố một loạt chính sách ủng hộ ngành công nghiệp này và cam kết biến Mỹ trở thành "thủ đô tiền mã hóa" của toàn thế giới.
Mặc dù bitcoin liên tục phá kỷ lục mới, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa trở lại. Động lực chính với bitcoin đang đến từ nhóm nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt thông qua các ETF giao ngay.
Thống kê của Coinglass cho thấy kể từ ngày 6/11 đến 13/11, các ETF bitcoin giao ngay đã thu hút thêm dòng tiền 4,7 tỷ USD. Tổng tài sản được quản lý (AUM) của những ETF này đã lên con số 56 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 3/2024.
Ở chiều ngược lại, sự hứng thú của nhà đầu tư cá nhân với bitcoin đã có sự cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với những lần đồng tiền này chạm đỉnh vào năm 2017 hay 2021.
Công cụ Google Trend cho thấy sự quan tâm tới từ khóa "bitcoin" trong tháng 11 (đến ngày 14) chỉ ở mức 43, thấp hơn đáng kể so với tháng 12/2017, khi bitcoin lập đỉnh 20.000 USD hay tháng 3/2021, khi bitcoin lần đầu vượt mốc 60.000 USD.
Ngoài ra, sự hứng thú đối với bitcoin trong chu kỳ này cũng không được duy trì lâu. Dữ liệu từ Google Trend vào ngày 14/11 cho thấy từ khóa "bitcoin" đều không thuộc top tìm kiếm trong 24 giờ ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Arab Saudi hay Việt Nam ... bất chấp việc đồng tiền này vừa lập đỉnh kỷ lục.
Một dữ liệu khác là chỉ số "Kimchi Premium" (mức chênh lệch giữa giá bitcoin tại Hàn Quốc và thế giới) cũng cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư bán lẻ chưa trở lại tại xứ sở kimchi.
Hàn Quốc duy trì chính sách kiểm soát dòng vốn chặt chẽ, kéo theo giá bitcoin thường chênh lệch khoảng vài % so với thế giới.
Kimchi Premium càng cao chứng tỏ nhà đầu tư bán lẻ tại Hàn Quốc càng hứng thú với bitcoin. Vào tháng 3/2024, khi bitcoin đạt đỉnh gần 74.000 USD, chênh lệch giá bitcoin giữa Hàn Quốc và thế giới lên tới hơn 10%.
Tuy nhiên, bất chấp việc bitcoin liên tiếp lập kỷ lục, chỉ số Kimchi Premium mới chỉ đảo chiều âm và tăng lên 0,76 (tức nhà đầu tư Hàn Quốc mua bitcoin đắt hơn 0,76% so với thế giới), thấp hơn đáng kể so với trung bình khoảng 2,5% trong cả năm nay.
Tương tự, tỷ trọng nguồn cung bitcoin được các nhà đầu tư bán lẻ nắm giữ cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu của BitInfoChart cho thấy tỷ lệ sở hữu của ví "cá nhỏ" (nhà đầu tư bán lẻ, sở hữu từ 0 - 10 bitcoin) vào ngày 14/11 chỉ là 17,8%. Cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này từng ở mức 18,1%.
Trong khi đó, các ví "cá mập" (thường là nhà đầu tư tổ chức, sở hữu từ 10 - 10.000 bitcoin) đang nắm 67% nguồn cung, trong khi cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này chỉ ở mức 66,5%. Số liệu trên cho thấy nhóm nhà đầu tư này đang tích cực thu mua bitcoin trong giai đoạn một năm trở lại đây.
Ngoài ra, nhóm ví "cá voi" (sàn giao dịch, một số doanh nghiệp và cá nhân, sở hữu từ 10.000 - 1.000.000 bitcoin) đang nắm 15,1% tổng nguồn cung, so với 15,3% cùng kỳ năm trước.
Các báo cáo tài chính từ PayPal hay Coinbase cũng đang chỉ ra bức tranh tương tự: nhà đầu tư cá nhân đang bớt hứng thú với bitcoin.
Theo đó, trong quý III/2024, khách hàng của Paypal chỉ sở hữu 2,17 tỷ USD bitcoin, giảm gần 11% so với quý liền trước. Còn tại Coinbase, sàn giao dịch này kỳ vọng mảng bán lẻ sẽ ghi nhận doanh thu từ 505 đến 580 triệu USD trong quý IV năm nay, giảm 7% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư cá nhân đang ở đâu?
Theo bà Noelle Acheson, cựu Giám đốc phân tích tại CoinDesk, việc nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa trở lại cho thấy chu kỳ tăng giá bitcoin lần này vẫn đang ở giai đoạn đầu.
"Các nhà đầu tư bán lẻ thường là những người đến sau, được thúc đẩy bởi những tin tức về giá bitcoin và sự hứng thú của xã hội", bà Acheson nhận định. "Chúng ta sẽ biết chu kỳ đang ở giai đoạn cuối khi nhà đầu tư bán lẻ lũ lượt kéo đến".
Một lời giải thích khác cho sự vắng bóng nhà đầu tư cá nhân là sự trỗi dậy của memecoin - những đồng tiền mã hóa được tạo nên như một trò đùa.
Memecoin đã xuất hiện từ thủa sơ khai của thị trường tiền mã hóa, với những cái tên như Dogecoin (DOGE) hay Shiba Inu (SHIB). Mãi cho tới gần đây, việc tạo lập một memecoin phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nhất định. Nhưng với sự xuất hiện của những nền tảng như pump.fun, người dùng có thể tạo ra hàng nghìn memecoin mỗi ngày chỉ với vài cú click chuột.
Vào ngày 15/11, dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy vốn hóa toàn bộ memecoin (được liệt kê) ở mức 110 tỷ USD, vượt qua cả vốn hóa của Solana (SOL). Sau một năm, vốn hóa của những đồng tiền này đã gấp 6 lần.
Đồng thời, khối lượng giao dịch hằng ngày cũng vọt lên 46,6 tỷ USD, so với chỉ 1,89 tỷ USD (gấp 25 lần) vào cùng kỳ năm trước. Khối lượng giao dịch của memecoin đang tương đương khoảng 1/5 tổng khối lượng giao dịch của toàn thị trường.
Gần như toàn bộ sự tăng trưởng của memecoin được thúc đẩy bởi nhóm nhà đầu tư cá nhân, bởi các quy định và khẩu vị rủi ro không cho phép nhà đầu tư tổ chức tiếp cận những đồng tiền mã hóa này. Mức tăng trưởng trên cho thấy có thể nhà đầu tư cá nhân đã trở lại, nhưng không phải