Start-up cho thuê phòng nghỉ trị giá tỷ 'đô' của nữ doanh nhân Trung Quốc
Tujia được coi là bản sao của Airbnb - nền tảng trung gian cho thuê phòng nghỉ nổi tiếng của Mỹ - Ảnh: Ozy.com. |
Theo CNN, Tujia trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “nhà ở trong kỳ nghỉ”. Tương tự như Airbnb, Tujia là sàn trực tuyến kết nối chủ sở hữu chủ nhà với du khách, cung cấp cho họ những lựa chọn lưu trú thay thế cho khách sạn truyền thống.
Được thành lập năm 2011 bởi nữ doanh nhân Melissa Yang cùng một số cộng sự, Tujia khởi đầu với việc làm trung gian cho thuê nhà nghỉ, chủ yếu là các khách sạn cỡ nhỏ được vận hành bởi các nhân viên Tujia.
Sau đó, công ty này mới mở rộng sang mảng cho thuê phòng nghỉ, với mô hình giống Airbnb, là cầu nối trung gian giữa chủ nhà, cơ sở lưu trú và du khách - những người đang tìm kiếm chỗ ở thay cho khách sạn truyền thống.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Tujia và đối thủ Mỹ là Tujia đưa ra nhiều loại dịch vụ rộng hơn, ví dụ như dịch vụ kiểm tra và dọn dẹp nhà sau khi ở xong, để giải quyết những băn khoăn và cảnh giác đặc trưng của cả chủ cơ sở lưu trú lẫn du khách Trung Quốc.
Hiện Tujia đang nhắm vào lượng khách Trung Quốc khổng lồ tới các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ngoài nước ngoài, cụ thể là Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty này cũng tìm kiếm các nguồn vốn để mở rộng sản phẩm và đối tác lưu trú ở nước ngoài.
Năm 2016, Tujia mở một văn phòng nhỏ tại Nhật Bản. Chỉ sau một năm, lượng đặt phòng tại đây tăng gấp 4 lần, Yang cho biết.
“Chúng tôi hiểu rất rõ du khách Trung Quốc và đáp ứng mọi nhu cầu của họ”, Yang chia sẻ. Mục tiêu này cũng bao gồm việc theo gót người Trung Quốc đến các quốc gia mà ứng dụng thuê phòng nghỉ Airbnb đang khai thác.
Từ nhiều năm nay, Airbnb cũng nhắm tới thị trường khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài. Hãng này tích cực mở rộng tại Nhật để đón đầu lượng khách Trung Quốc khổng lồ đổ đến đây hàng năm.
Airbnb cũng từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc vốn bỏ ngỏ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hãng này hiện chỉ hợp tác với khoảng 80.000 cơ sở lưu trú ở Trung Quốc, con số khá khiêm tốn so với 430.000 của Tujia.
Dù Tujia có quy mô hoạt động tại Trung Quốc lớn hơn Airbnb, Yang thừa nhận trên trường quốc tế, Airbnb có vị thế mạnh hơn để thu hút du khách Trung Quốc. Hiện hãng khởi nghiệp Mỹ này đang hợp tác với khoảng 3 triệu cơ sở lưu trú trên toàn thế giới, trong khi Tujia mới chỉ có 20.000 cơ sở bên ngoài Trung Quốc.
Theo CNN, bà Yang từng sống tại Mỹ hơn 10 năm và chu du khắp nơi trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa thuộc Đại học Thanh Hoa, vốn được coi là Học viện Công nghệ Massachusetts của Trung Quốc, bà tiếp tục theo ngành khoa học máy tính ở Mỹ.
Năm 2006, khi còn ở Mỹ, Yang thành lập công ty cung cấp phần mềm thuê phòng nghỉ Escapia. Start-up này sau đó “lọt vào mắt xanh” của HomeAway, một đối thủ của Airbnb. Theo thông tin từ Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ, năm 2010, HomeAway mua lại Escapia với giá khoảng 10 triệu USD.
Sau đó, Yang trở về Bắc Kinh và làm việc cho Microsoft. Tuy nhiên, bà sớm bỏ công việc văn phòng và trở lại con đường kinh doanh.
Năm 2011, bà đồng sáng lập Tujia, sớm biến nó trở thành “công ty khởi nghiệp kỳ lân” và được định giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2015.
Mới đây, Yang rút khỏi việc điều hành hoạt động hàng ngày của Tujia và làm việc với quỹ đầu tư IDG Capital để tìm kiếm các công ty khởi nghiệp tiềm năng ở Trung Quốc.